“Siết” tín dụng bất động sản: Cần tránh nguy cơ… đổ vỡ thị trường

Xoay quanh câu chuyện “siết” tín dụng bất động sản, chuyên gia cho rằng, đây là phương án cần thiết, song cần có giải pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tránh nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống…

Thống kê cho thấy, đến hết quý I/2022, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 2,4% so với đầu năm, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2,23 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; trong đó, cho vay nhà ở ước tính chiếm 65%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản.
“Siết” tín dụng bất động sản, cần tránh nguy cơ đổ vỡ thị trường - Ảnh minh họa

Thông tin tại tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản - Chính sách và tác động” mới đây, ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong những năm qua, sự phát triển của thị trường bất động sản góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản có định hướng cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân.

Thị trường bất động sản liên quan mật thiết và có ảnh hưởng qua lại đến các thị trường vốn, như: tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, thu hồi vốn đầu tư nước ngoài... Sự phát triển của thị trường vốn sẽ góp phần phát triển thị trường bất động sản và ngược lại thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh góp phần bảo đảm sự ổn định, an toàn cho thị trường vốn.

Theo ông Bùi Xuân Dũng, việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là giải pháp vô cùng quan trọng giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cũng là giải pháp thúc đẩy, tăng cường nguồn cung cho thị trường và giảm giá bất động sản.

Thực tế, trước những rủi ro bong bóng tài sản hay hiện tượng “nóng - sốt” ở thị trường bất động sản tại một số khu vực, cộng thêm những chính sách kiểm soát chặt chẽ, gắt gao từ cơ quan quản lý để ổn định vĩ mô, nhiều ngân hàng thời gian qua đã có dấu hiệu siết chặt tín dụng vào bất động sản, bất chấp lãi suất cho vay ở lĩnh vực này vẫn hấp dẫn hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. Một số ngân hàng đã bắt đầu thực thi chính sách tạm ngừng hoặc hạn chế cho vay địa ốc, giảm tỷ lệ tài trợ, số dư nợ giải ngân khi cho vay lại.

Ngoài ra, với xu hướng lãi suất đang đi lên trở lại, các khoản cho vay mua nhà trước đây được hưởng lãi suất ưu đãi trong 2-3 năm đầu, cũng sẽ đối mặt với áp lực trả lãi gia tăng, còn các khoản vay mới có thể chậm lại do người vay e ngại xu hướng lãi suất tăng, trong khi giá nhà cũng đã tăng vọt thời gian qua, cộng thêm tác động của việc chính sách đánh thuế bất động sản có thể triển khai trong thời gian tới.

Tất cả những điều này có thể khiến thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thử thách trong giai đoạn sắp tới, không chỉ người vay mua nhà mà các doanh nghiệp bất động sản sẽ càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, trong khi việc xoay vòng vốn cũng bị ảnh hưởng khi tiến độ bán hàng của doanh nghiệp chậm lại, việc triển khai các dự án mới sẽ mất nhiều thời gian hơn, thậm chí không thể triển khai khi thiếu vốn.

Nhiều ngân hàng thời gian qua đã có dấu hiệu siết chặt tín dụng vào bất động sản, bất chấp lãi suất cho vay ở lĩnh vực này vẫn hấp dẫn hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác - Ảnh minh họa

Xoay quanh câu chuyện “siết” tín dụng bất động sản, tại buổi tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản - Chính sách và tác động”, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm, “siết” vốn đầu tư vào bất động sản là cần thiết, song cần có giải pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tránh nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng đặt vấn đề: Điều gì sẽ xảy ra nếu nghẽn dòng vốn đối với doanh nghiệp bất động sản? Đó là dự án bị dở dang, thanh khoản thị trường giảm, nợ xấu theo đó tăng, đà phục hồi kinh tế giảm sút, từ đó doanh nghiệp lo lắng, lưỡng lự đầu tư dự án...

Theo TS Cấn Văn Lực, tứ giác ngân hàng - bảo hiểm – bất động sản - chứng khoán có sự liên thông chặt chẽ với nhau, lĩnh vực này rủi ro sẽ kéo theo lĩnh vực khác rủi ro. Do vậy, theo ông, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng vào bất động sản hợp lý là rất quan trọng.

Còn theo TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính), Việt Nam vẫn đang mông lung, hiểu sai vai trò của bất động sản. Do đó, chúng ta cần thay đổi lại suy nghĩ về vai trò của bất động sản, phải đánh giá và nhìn nhận đúng, bất động sản là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là kết quả và đầu vào của tăng trưởng.

“Vì thế, tư duy phải được thay đổi, tôi khẳng định, bất động sản và tài chính là 2 mặt của 1 đồng xu, phải gắn liền”, ông Ánh nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, thế giới đang bước vào giai đoạn - dự báo là suy thoái. Suy thoái kinh tế và thế giới đang bước một chân vào đó, gắn với đó là lạm phát. Do đó, Việt Nam đang trong bối cảnh cần cẩn thận, dù chúng ta vượt qua đại dịch, nhưng tăng trưởng kinh tế thấp. Nếu không xem xét cẩn trọng thị trường bất động sản - tài chính kinh tế, sẽ dễ bị suy thoái và lạm phát.

“Không phải siết, kiểm soát, điều chỉnh nguồn vốn hay bất kỳ từ ngữ nào cả, vấn đề chúng ta đang đối mặt là thị trường bất động sản phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng tín dụng. Vấn đề chính là phải lành mạnh hóa mối quan hệ bất động sản - tài chính, kinh tế, bởi nếu tiếp tục siết tín dụng, sẽ bóp chết bất động sản”, ông Ánh nhấn mạnh.

Theo Gia Nguyễn 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan