'Cửa tử' với nhiều dự án điện

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ chế đấu thầu giá điện được thực hiện theo đề xuất gần đây của Bộ Công thương sẽ khiến hàng loạt dự án điện trước nguy cơ phá sản.

Việc áp dụng một mức giá điện giới hạn trong 3 năm sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn rẻ vào lĩnh vực này và thao túng thị trường điện (ảnh minh họa)

Là một tập đoàn kinh tế đa ngành, T&T Group đang dồn lực đầu tư rất lớn vào lĩnh vực năng lượng với nhiều kế hoạch tỷ đô. Hiện tập đoàn đã hoàn thành xây dựng để đưa vào vận hành khoảng gần 1.000MW từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (cả LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000 – 11.000MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.

Để hiện thực hóa tham vọng này, T&T Group đã cùng với Ortesd (tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới) ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với quy mô đầu tư lên tới 30 tỷ USD.

Vừa qua, tập đoàn này cũng đã chính thức khởi công hợp phần kỹ thuật nhà máy điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 (tỉnh Quảng Trị) với quy mô 1.500MW, tổng mức đầu tư gần 54.000 tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều dự án điện của T&T Group gặp khó khăn, một số dự án mới chỉ được công nhận vận hành thương mại (COD) một phần, phần còn lại đang trong tình trạng chờ “xem xét hướng dẫn thực hiện với cơ chế đề xuất mới - cơ chế chuyển tiếp”.

Thực trạng này khiến các dự án điện của tập đoàn gặp phải những thách thức rất lớn về tài chính khi đã hoàn thành thi công xây dựng nhưng chưa được ghi nhận sản lượng và doanh thu, đối mặt với việc thiếu nguồn thu trả nợ tới hạn cho các tổ chức tài chính.

Ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn năng lượng T&T

Đối với đề xuất cơ chế đấu thầu giá điện của Bộ Công thương, ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn năng lượng T&T, cho rằng, tờ trình của Bộ Công thương về xây dựng cơ chế mua điện từ các dự án chuyển tiếp, kiến nghị áp dụng cơ chế giá đấu thầu, có thời hạn trước hết đến 2025, sau đó thực hiện đấu giá tiếp, các dự án cũng chỉ được huy động công suất theo nhu cầu của hệ thống mà không phải là cam kết mua toàn bộ sản lượng sản xuất ra, giá xác định bằng đồng VND … tức là bãi bỏ hoàn toàn các quy định tại PPA đã ký kết với EVN.

Các nhà đầu tư bắt đầu ký kết hợp đồng cung ứng, thi công và huy động vốn, triển khai thi công xây dựng dựa trên các cam kết lâu dài và mang tính khuyến khích của Chính phủ tại các Quyết định số 13 và 39, nhưng nay vì một nguyên nhân hoàn toàn khách quan đã gần như mất phương hướng trong việc hoạch định hiệu quả đầu tư lâu dài của mình và có thể dẫn đến phá sản.

"Chúng tôi kiến nghị xem xét đối với các dự án, một phần dự án bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đang thi công hoặc đã thi công xong được gia hạn áp dụng các quyết định nói trên của Thủ tướng thêm một khoảng thời gian nhất định là 6 tháng nhằm chia sẻ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thời gian để hoàn thiện toàn bộ dự án, tránh lãng phí nguồn lực, tránh những đổ vỡ mang tính hệ thống không đáng có trong hoàn cảnh ngành điện đang phải huy động công suất cho thời gian thiếu nguồn điện sắp tới’, ông Hà đề xuất.

Ông Đỗ Lê Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm với một bộ sưu tập dự án điện gió tỷ đô tại nhiều địa phương trên cả nước cũng tỏ ra hết sức lo ngại trước những đề xuất cơ chế đấu thầu giá điện của Bộ Công thương.

Lấy dẫn chứng thực tế một dự án điện gió công suất 50MW được gửi hồ sơ vay vốn sang ngân hàng với dự toán 2.000 tỷ đồng, ông Quân cho biết: Khoảng 5 năm trước Chính phủ đã mua điện với giá 8,5cent/kWh (trên bờ) và 9,8cent/kWh (điện gió ngoài khơi); đến nay, dự án tham gia đấu thầu mua điện với mức giá trần chưa xác định.

Trong trường hợp Chính phủ đưa ra mức giá đấu thầu bằng mức giá cũ hoặc thấp hơn một chút thì còn "dễ thở" cho nhà đầu tư. Ngược lại, nếu mức giá đấu quá thấp so với trần và có doanh nghiệp chào giá đấu chỉ khoảng 7cents/kWh thì nhà đầu tư không biết phải xoay sở thế nào, ông Quân nhấn mạnh.

Vì vậy, theo ông Quân, Chính phủ và các bộ ngành cần tính tới việc có biện pháp, chế tài ngăn chặn những doanh nghiệp "phá rối" tham gia vào quá trình đấu thầu giá điện. Đơn cử như đưa ra các điều kiện để nhà đầu tư tham gia đấu thầu giá điện: nhà máy đã triển khai thi công ra sao, chứng minh khả năng phát điện…

Có thể nói những dự án điện gió chuyển tiếp thời điểm hiện tại đã đến hạn ân hạn, đã tới lúc phải trả gốc và lãi. Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thường chỉ cho ân hạn tới một năm, nếu dự án gặp khó khăn về vấn đề giá điện, không có tiền trả thì nhà đầu tư sẽ bị "siết" dự án.

Ông Đỗ Lê Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm

Theo ông Quân, giá điện nếu chỉ áp dụng cho thời hạn 3 năm thì nhà đầu tư sẽ không thể có phương án tài chính cho các dự án điện. Theo đó, sẽ không ngân hàng nào đồng ý cấp tín dụng cho vay đầu tư dự án.

Việc áp dụng một mức giá điện giới hạn trong 3 năm sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn rẻ vào lĩnh vực này và… thao túng thị trường điện. Doanh nghiệp Việt gần như không còn cơ hội vì không thể vay vốn ngân hàng thương mại trong nước. Khi đó, toàn bộ sân chơi điện năng lượng tái tạo sẽ dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, ở một kịch bản không mong muốn, ông Quân khẳng định nhiều dự án điện gió hiện nay sẽ phải bán cho nhà đầu tư ngoại với giá rẻ. Các nhà đầu tư ngoại sẽ mua hết nợ, ngân hàng trong nước sẽ không giải ngân tiếp cho dự án.

"Trong trường hợp áp dụng cơ chế mới (tức giá điện 3 năm) thì chắc chắn tôi sẽ phải bán dự án vì không thể có tiền để tiếp tục làm dự án bởi các ngân hàng sẽ dừng cho vay", ông Quân cho biết.

Một nút thắt khác, nếu không huy động toàn bộ sản lượng, đặt trong trường hợp một số doanh nghiệp chào thầu giá mua điện theo dạng ‘phá rối’ và được lựa chọn (ví dụ nhà máy của họ không có khả năng sản xuất điện hoặc không xác định được thời điểm hoạt động, hòa lưới, sản lượng không ổn định nhưng vẫn chào giá rất thấp), thì rất dễ dẫn tới khả năng thiếu điện cho toàn hệ thống.

Cuộc chơi đấu thầu giá điện lúc đó sẽ gây khó khăn rất lớn cho các nhà đầu tư bởi vị trí vừa điều tiết – đấu giá – xây dựng giá điện được đặt vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN vừa là đơn vị có trách nhiệm mua điện, vừa tổ chức đấu thầu, mời thầu và EVN cũng đang sở hữu/đầu tư rất nhiều dự án điện. Vừa nắm trọng trách điều tiết, kiêm luôn vai trò đấu giá điện, EVN cũng được trao trách nhiệm xây dựng khung giá điện (phục vụ đấu thầu), ông Quân đặt câu hỏi về việc tạo nên một môi trường công bằng, đảm bảo cạnh tranh đúng nghĩa.

The TheLeader 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan



Warning: Unknown: write failed: Disk quota exceeded (122) in Unknown on line 0

Warning: Unknown: Failed to write session data (files). Please verify that the current setting of session.save_path is correct (/home/diendan3/tmp) in Unknown on line 0