Doanh nghiệp du lịch đề xuất cơ chế được vay vốn tín dụng ưu đãi

Sau khi có quyết định mở cửa trở lại, doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam đã lên kế hoạch chi tiết phục hồi hoạt động và có nhiều đề xuất cần Chính phủ hỗ trợ.

Doanh nghiệp du lịch rất cần sự hỗ trợ để phục hồi.

Ngoài đề xuất thu ngắn thời gian cách ly được Bộ Y tế chấp thuận đối với du khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành đã đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ, tạo điều điều kiện cho doanh nghiệp ngành này được vay gói hỗ trợ tín dụng với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi từ 2-3% với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm để vực dậy ngành du lịch.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi vởi ông Nguyễn Vũ Hoàng – Giám đốc Tiếp thị truyền thông Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) xung quanh vấn đề này .

- Thưa ông, du lịch mở cửa trở lại sẽ giúp ngành hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022. Doanh nghiệp đã chuẩn bị những kế hoạch nào để hành động?

Du lịch mở cửa là cơ hội để ngành hàng không hồi phục sau thời gian dài phải áp dụng các hạn chế chuyến bay để cùng chung tay chống dịch. Việc mở cửa trở lại là nỗ lực của Chính phủ cũng như toàn ngành. Chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng để phục vụ nhu cầu di chuyển, du lịch của du khách cũng như có những kế hoạch để ứng phó với mọi tình huống, hoặc mở rộng mạng bay.

Chúng tôi đã bắt đầu mở bán vé những chặng bay mới như Hà Nội – Quy Nhơn, Hà Nội – Đà Nẵng từ 16/3 và TP.HCM – Quy Nhơn trước đó. Đồng thời, Vietravel Airlines sẽ duy trì các đường bay hiện có với tần suất 1-2 chuyến/ngày, và đảm bảo tỷ lệ khai thác đúng giờ luôn đạt trên 97%. Tùy theo nhu cầu thực tế của thị trường, hãng sẽ nâng tần suất của một số đường bay lên 3-4 chuyến/ngày.

Song song với việc thúc đẩy mạng đường bay nội địa, Vietravel Airlines cũng đang tích cực làm việc với các cơ quan sở tại nước bạn, Tổng cục Du lịch các nước và theo dõi sát các chính sách nhập cảnh của các quốc gia để xúc tiến cùng các đối tác GSA của hãng tại các thị trường Đông Nam Á và Đông Bắc Á, nhằm nhanh chóng mở thêm các chặng đường bay quốc tế phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch và phát triển kinh tế, giao thương. Theo dự kiến, kể từ quý 2/2022, hãng sẽ mở thêm các đường bay đến Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.

Về công tác phòng tránh dịch bệnh COVID-19, chúng tôi đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo và quy định của Bộ Y Tế trên toàn mạng bay nội địa. Hành khách luôn được hãng chủ động khuyến cáo khai báo y tế và đo nhiệt độ trước mỗi chuyến bay; đeo khẩu trang trên suốt hành trình; cung cấp khăn lau tay kháng khuẩn và khử khuẩn tàu bay theo đúng tiêu chuẩn của ngành Hàng không Việt .

- Với kế hoạch đón khách quốc tế, doanh nghiệp có gặp những rào cản nào không, thưa ông?

Việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại là một tín hiệu đáng mừng với ngành Du lịch và Hàng không. Trước giờ mở cửa trở lại chúng tôi khá lo lắng và sốt ruột. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể nói các quy định với khách quốc tế về nhập cảnh cũng đã "cởi mở" hơn. Song cũng phải thừa nhận rằng, cần độ trễ nhất định để phục hồi hoàn toàn.

- Để doanh nghiệp du lịch có thể cất cánh, phục hồi sau những thời kỳ dài "ngủ đông" do đại dịch, doanh nghiệp có những mong muốn nào cần đề xuất không, thưa ông?

Trong giao thương quốc tế, hàng không đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, xúc tiến và là trung gian cho các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch vùng miền. Chính vì thế, chúng tôi có những đề xuất để ngành Du lịch nói chung và Hàng không nói riêng có thể phục hồi:

Thứ nhất, đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp Hàng không với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm. Lý do vì cho đến thời điểm hiện tại, dòng tiền của ngành Hàng không đang cạn kiệt, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, ngành Hàng không chắc chắn sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp,…

Thứ hai, xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với 7% như hiện nay) đến hết năm 2022. Chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng đến 30% trên tổng chi phí hoạt động. Trong khi đó, giá nhiên liệu bay Jet-A1 có xu hướng tăng cao và gây khó khăn cho các hãng trong việc vận hành sắp tới. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1000 đồng/lít.



Thứ ba, đơn giản hóa một vài chính sách, quy định để du khách có thể di chuyển dễ dàng, ví dụ như thay “cách ly du khách” bằng “theo dõi sức khỏe du khách” như Thái Lan hay Singapore đang áp dụng.

Thứ tư, cần có nền tảng cập nhật thông tin an toàn về các điểm đến giúp du khách an tâm và chủ động hơn. Bên cạnh đó, với vị thế là hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam, Vietravel Airlines cũng mong muốn khai thác văn hóa Việt Nam đưa vào du lịch. Đây là một nguồn tài nguyên vô tận và là thế mạnh của Việt Nam. Chính vì thế, trên những chuyến bay của mình, Vietravel Airlines luôn mang đến những trải nghiệm đậm chất văn hóa thông qua dịch vụ của mình như cung cấp hướng dẫn viên trên tàu bay, và sau này có thể là cung cấp đặc sản vùng miền cho khách du lịch.

- Nhiều dự đoán cho rằng năm 2022 du lịch Việt Nam sẽ có bước phát triển để dành lại thị phần lượng khách quốc tế, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội này?

Sức cạnh tranh là vô cùng khốc liệt khi không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia cũng đã có chính sách mở cửa và đón du lịch quốc tế. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là du lịch Việt Nam đang được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới từ tháng 12/2021 đến nay (theo dữ liệu từ Google Destination Insight). Điều này chứng tỏ du lịch Việt Nam được rất nhiều du khách quốc tế quan tâm và là cơ hội tuyệt vời để hồi phục cũng như phát triển ngành du lịch, quảng bá văn hóa đến bạn bè thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước trở lại cuộc sống “bình thường mới” ổn định cả về dịch bệnh và an toàn chính trị, do đó theo tôi, cơ hội này đang dành cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là hãng hàng không du lịch đầu tiên tại Việt Nam như Vietravel Airlines.

Xin cảm ơn ông !



Phương Thanh 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan