Doanh nghiệp vẫn "đỏ mắt" tìm nhân sự du lịch

Trong cuộc đua phục hồi và phát triển, ngành du lịch đã tháo được nút thắt về visa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm nhân sự chuyên môn...



Đánh giá về nhu cầu nhân lực, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết hiện nay, ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025, riêng tổng cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu. Như vậy, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết Việt Nam nằm trong top những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch Covid-19. Lực lượng lao động có thâm niên 5 - 10 năm đã chuyển nghề là 44%, lao động sau đại học chuyển nghề tới 90%.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ đã đặt kế hoạch phải tuyển dụng nhân sự ổn định, lấp đầy các chỗ trống trước thời điểm cuối năm 2022, nhưng cho đến nay, đã qua quý 1/2023 mà chỉ tiêu chỉ đạt khoảng 60%. Tại một số doanh nghiệp, nhân viên phải đảm trách nhiều vị trí một lúc. Ở những vị trí không quan trọng phải tuyển dụng lực lượng lao động bán thời gian, thời vụ để ứng phó thời gian cao điểm.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings, nêu quan điểm, khách đi du lịch hiện nay mong muốn có nhiều dịch vụ trải nghiệm theo hướng “không chạm,” tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Vì vậy, nhân sự ngành du lịch rất cần có kỹ năng sử dụng thành thạo các ứng dụng số hóa, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội. Doanh nghiệp cần chủ động bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự bằng nhiều cách như tổ chức đào tạo ngay từ khi mới tuyển dụng hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu cho từng vị trí việc làm phù hợp.

Theo bà Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, để giải bài toán thiếu hụt nhân sự có tay nghề, các trường cần quốc tế hóa đào tạo.



Nhiều năm qua, thông qua các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, nhiều học viên của nhà trường đã được gửi Pháp, Đức và Úc học tập nâng cao trình độ. Sau thời gian tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc, đội ngũ này quay về nước làm việc rất hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự du lịch dài hạn cho Việt Nam. Điều này không những đảm bảo về kỹ năng ngoại ngữ mà còn nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân sự ngành du lịch Việt Nam.

Theo đó, giữa các doanh nghiệp và các trường nghề cần có sự liên kết chặt chẽ nhằm bảo đảm đầu ra nguồn nhân lực ngành du lịch. Thông qua các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, các trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, thiết kế những môn học phù hợp với thị trường.

Sự gắn kết chặt chẽ giữa hai bên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn nhà trường và toàn ngành. Hợp tác hiệu quả sẽ góp phần hình thành nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Bên cạnh đó, điều này còn giúp tăng trưởng nguồn khách, tăng chất lượng dịch vụ và giá trị thương hiệu cho điểm đến.

Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam hiện có gần 200 cơ sở đào tạo nghề du lịch, trong đó 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề. Thế nhưng, công tác đào tạo nhân lực du lịch còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội...
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan



Warning: Unknown: write failed: Disk quota exceeded (122) in Unknown on line 0

Warning: Unknown: Failed to write session data (files). Please verify that the current setting of session.save_path is correct (/home/diendan3/tmp) in Unknown on line 0