Nghịch lý lỗ - lãi doanh nghiệp FDI

Báo cáo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN) FDI năm 2020 được Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT đưa ra cho thấy về tổng thể, khối DN FDI không những bảo toàn và phát triển vốn, còn tiếp tục gia tăng đầu tư thêm vốn chủ sở hữu để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng bức tranh về hoạt động của DN FDI cũng bộc lộ nhiều “gam màu tối”, với câu chuyện chưa cũ là “lỗ giả, lãi thật”.



Tài sản, doanh thu tăng vẫn… lỗ


Trên cơ sở tổng hợp báo cáo tài chính của 25.171 DN (chiếm 90,6% số DN FDI chi phối và 78,7% tổng số DN FDI), Bộ Tài chính cho biết năm 2020 doanh thu của DN FDI đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng thêm 340.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,8% so với năm 2019. Vốn chủ sở hữu đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 390.000 tỷ đồng, tương đương 12,4% so với năm 2019. Trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu (vốn điều lệ) trên 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 250.000 tỷ đồng, tương đương 12%.

Năm 2020, 10.125 DN có kết quả sản xuất kinh doanh lãi, chiếm tỷ lệ 40,2% DN có báo cáo. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 406.000 tỷ đồng, tăng 37.000 tỷ đồng, tương đương 10% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 340.000 tỷ đồng, tăng 35.600 tỷ đồng, tương đương 11,6% so với năm 2019.

Có 5 ngành chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất (85%) giá trị lợi nhuận trước thuế của khối này, gồm linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học; công nghiệp chế biến thực phẩm, rượu bia, nước giải khát; hóa chất, nhựa, mỹ phẩm; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy và động cơ khác; dệt may da giày.

Ở chiều ngược lại, năm 2020, số lượng DN có kết quả sản xuất kinh doanh báo lỗ 14.108 DN, chiếm tỷ lệ 56% DN có báo cáo, với trị giá lỗ 151.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của các DN báo lỗ hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 22% so với tổng tài sản của các DN báo lỗ năm 2019. Doanh thu của các DN báo lỗ gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019.

Đến hết năm 2020, có 16.164 DN có lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính (chiếm 64% số DN), với tổng trị giá lỗ lũy kế trên 620.000 tỷ đồng, bằng 44% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Tổng tài sản của các DN lỗ lũy kế 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% và doanh thu hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5,2%. Một dữ liệu đáng chú ý, trong số 4.250 DN lỗ mất vốn có 466 DN (chiếm 11%) vẫn bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư trên 5.400 tỷ đồng.

Năm 2020, số thu nội địa (không kể dầu thô) của khu vực DN FDI 206.000 tỷ đồng, giảm trên 6.000 tỷ đồng so với 2019. Đây là năm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020 ghi nhận số thu nộp ngân sách nhà nước của khối DN FDI giảm so với năm trước đó. Theo Bộ Tài chính, dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có sự tăng trưởng qua các năm, nhưng tỷ lệ DN báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Điều đó cho thấy vẫn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh.

Tìm cách thay đổi

Theo Bộ KH-ĐT, một trong những hạn chế của thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài thời gian qua, là hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án đầu tư chưa cao, các dự án có quy mô nhỏ. Công nghệ sử dụng tại DN FDI được đánh giá không quá vượt trội so với DN trong nước. Số lượng dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ 5%, chủ yếu là công nghệ trung bình (80%), trong đó xuất xứ từ Trung Quốc 30-40%; công nghệ thấp, lạc hậu (15%) dẫn đến nguy cơ, thách thức về tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên.

Đặc biệt, việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam chủ yếu thực hiện thông qua hình thức góp vốn và mua sắm máy móc, thiết bị. Phương thức này chỉ là việc dịch chuyển công nghệ giữa công ty mẹ (ở nước ngoài) với công ty con (tại Việt Nam), không tạo ra nhiều sự thay đổi về trình độ, năng lực, đổi mới và sáng tạo công nghệ. Có tới 85% DN FDI tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Điều này đã hạn chế đáng kể khả năng chuyển giao và lan tỏa công nghệ của khu vực FDI.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân 20-25%. Trong đó, dệt may, da giày (40-45%); điện tử gia dụng (30-35%); thiết bị đồng bộ (30-40%); lắp ráp ô tô cá nhân (7-10%), ô tô tải (55%), ô tô khách, ô tô chuyên dụng (40%); công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử viễn thông (15%); công nghiệp công nghệ cao 5-10%.

“Từ việc tổng kết thực tiễn thu hút đầu tư nước ngoài trong hơn 30 năm qua, căn cứ quan điểm, định hướng thu hút trong thời gian tới và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ KH-ĐT đề xuất 7 tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, bao gồm suất đầu tư; lao động; công nghệ; chuyển giao công nghệ; tính liên kết và tác động lan tỏa; môi trường; quốc phòng, an ninh” - báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu.

Các tiêu chí trên được xây dựng dựa trên năng lực nội tại của nền kinh tế (công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, nguồn năng lượng...) kết hợp với nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với quan điểm, định hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam là lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, tác động lan tỏa…

Điểm đáng chú ý nữa là tiêu chí về môi trường. Theo Bộ KH-ĐT, đây là tiêu chí quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư nước ngoài gắn với việc bảo vệ môi trường; tiết kiệm năng lượng… Thời gian qua, việc tiếp nhận dự án FDI trong những ngành công nghiệp nặng (như sản xuất xi măng, thép, lọc hóa dầu, điện than) đã gây ra lượng khí thải lớn, tác động tiêu cực đến môi trường sống.

Để thực hiện tiêu chí này, theo Bộ KH-ĐT, cần thực hiện Điều 44 Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Trong đó, 2 văn bản đã quy định việc không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Các dự án FDI khi hết thời hạn hoạt động muốn gia hạn dự án phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ và môi trường.



Theo Quang Minh 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan