Quy định sàn TMĐT nộp thuế thay cho người bán chưa đảm bảo tính thống nhất

(DDNLD) - Góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về quản lý thuế và hóa đơn, chứng từ, VCCI cho rằng, quy định sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho người bán chưa đảm bảo tính thống nhất…

Quy định sàn TMĐT nộp thuế thay cho người bán chưa đảm bảo tính thống nhất - Ảnh minh họa

Trả lời Công văn số 1382/BTC-TCT ngày 14/02/2022 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định sàn thương mại điện tử (sàn TMĐT) nộp thuế thay cho người bán chưa đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, Điều 1.2 Dự thảo quy định, các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn. Theo VCCI, quy định này cần được xem xét ở một số nội dung:

Thứ nhất, quy định này yêu cầu các sàn TMĐT thực hiện khấu trừ thuế từ thu nhập kinh doanh của người bán là cá nhân trên sàn. Tuy nhiên, đây là việc dường như chưa phù hợp với quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, vốn quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thu nhập từ kinh doanh thuộc về cá nhân kinh doanh.

Theo đó, Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định hai chủ thể có trách nhiệm thực hiện việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, gồm: tổ chức, cá nhân trả thu nhập; cá nhân có thu nhập chịu thuế.

Chưa kể, Điều 29 Nghị định 65/2013/NĐ-CP cũng quy định, người nộp thuế trực tiếp khai thuế, nộp thuế với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân cư trú với cơ quan Thuế.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính thống nhất của quy định này với hệ thống pháp luật hiện tại.

Thứ hai, quy định yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm đại diện cho người bán kê khai, nộp thuế thay. Theo VCCI, cơ quan soạn thảo cần làm rõ các nội dung như:

Căn cứ phát sinh trách nhiệm đại diện, Dự thảo đã không làm rõ trách nhiệm đại diện được phát sinh theo căn cứ nào, có cần trình tự, thủ tục nào hay không? Bởi Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định 2 trường hợp căn cứ xác lập quyền đại diện, gồm: đại diện theo pháp luật (gồm đại diện của cá nhân trong 1 số trường hợp đặc biệt; đại diện của pháp nhân); đại diện theo uỷ quyền;

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính thống nhất của quy định này với hệ thống pháp luật hiện tại - Ảnh minh họa

Phạm vi trách nhiệm đại diện, Dự thảo cũng không làm rõ phạm vi đại diện trong việc kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT bao gồm những trách nhiệm nào, có bao gồm quyết toán, hoàn thuế hay không?

Thứ ba, quy định này có nguy cơ tạo ra nhiều phương pháp thu thuế trùng lặp nhau. Bởi trên thực tế, hiện nay có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh vừa kinh doanh tại chỗ (offline) vừa kinh doanh online trên nền tảng thương mại điện tử, chẳng hạn như các cửa hàng ăn uống, cà phê hoặc kinh doanh lưu trú… Khi kinh doanh trên thương mại điện tử, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp riêng thuế cho phần doanh thu này (do sàn TMĐT khấu trừ). Tuy nhiên, đồng thời, cá nhân kinh doanh đã phải nộp thuế theo phương pháp khoán.

Trong khi, việc xác định thuế khoán (khi thực hiện ấn định thuế) sẽ thực hiện thông qua việc khảo sát của cơ quan thuế, chẳng hạn như số lượng khách trong một ngày của quán, số lượng nhân viên… Việc tách riêng phần doanh thu từ kinh doanh online với phần doanh thu từ kinh doanh offline sẽ trở nên khó khăn do việc kinh doanh được thực hiện tại cùng một địa điểm. Liệu có xảy ra vấn đề liệu có xuất hiện chồng lấn khi thu thuế hình thức kinh doanh này hay không?

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, làm rõ phạm vi, cách thức thực hiện của các phương pháp trên.

Thứ tư, quy định này có thể tạo ra các ảnh hưởng bất cân xứng lên các chủ thể liên quan trong hoạt động thương mại điện tử, như:

Sàn TMĐT và mạng xã hội, quy định này dự kiến sẽ gây nên gánh nặng tuân thủ lên sàn TMĐT trong việc nộp thuế cho người bán trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các mạng xã hội dự kiến sẽ không thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ.

Theo VCCI, cần lưu ý rằng thương mại điện tử qua mạng xã hội cũng tương đối phát triển, bởi Báo cáo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, khoảng 57% người được khảo sát cho biết họ có thực hiện mua sắm qua diễn đàn, mạng xã hội, tương đương tỷ lệ mua sắm trên sàn giao dịch TMĐT.

Bên cạnh đó, đối với sàn TMĐT trong nước và sàn TMĐT cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, VCCI cho rằng, không rõ quy định này có áp dụng không và áp dụng như thế nào với các sàn TMĐT cung cấp dịch vụ xuyên biên giới? Nếu quy định này chỉ áp dụng được với các sàn TMĐT trong nước, đây có thể là một rào cản “bảo hộ ngược”, gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp nội địa;

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá các tác động, ảnh hưởng của quy định này lên các nhóm đối tượng liên quan và ảnh hưởng lên cạnh tranh trong ngành thương mại điện tử”, VCCI góp ý.

Theo DDDN
 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan