Siết van tín dụng, trái phiếu: “Cú đấm bồi” đẩy giá nhà đất phi mã

Theo các chuyên gia, việc siết tín dụng và TPDN sẽ khiến dòng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc bị chặn đứng, đẩy các dự án vào thế thiếu vốn triển khai và nguy cơ tăng nóng giá nhà.

Siết chặt dòng vốn từ trái phiếu, tín dụng sẽ đẩy các dự án nhà ở vào thế khó

Chia sẻ mới đây tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trường Bộ TN&MT chia sẻ rằng, cần nhìn nhận đúng về dòng vốn từ trái phiếu, bởi đây chính là cách gián tiếp để huy động vốn trong dân vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Siết nguồn vốn sẽ đẩy giá nhà tăng cao

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc siết tín dụng, trái phiếu sẽ càng làm thiếu nguồn cung và gây ra sốt giá nhiều hơn. Do vậy, cần công bằng với các dòng vốn này, để thị trường minh bạch, hiệu quả thay vì siết chặt và đẩy dòng tiền vào đất đầu cơ nhiều hơn.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cũng nhận định, thực tế, để triển khai các dự án bất động sản, doanh nghiệp cần có nguồn vốn lớn, và phải là dòng vốn trung và dài hạn.

Trong khi đó, dòng tiền cho vay từ các ngân hàng thương mại lại chủ yếu tập trung cho vốn ngắn hạn. Doanh nghiệp vào thế bị động, khó khăn nguồn vốn triển khai dự án, trong khi ngân hàng cũng chịu áp lực lớn từ các khoản vay này. Để có thể tồn tại và phát triển, việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Dẫn báo cáo của ADB, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Đến hết tháng 3 năm nay, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 37,4% GDP. Địa ốc cũng liên tục là nhóm ngành đứng đầu trong phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, trước động thái siết chặt vốn tín dụng bất động sản, cùng thị trường trái phiếu, theo số liệu thống kê 3 tháng đầu năm, lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp địa ốc giảm 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, lành mạnh hóa thị trường là điều cần thực hiện, song việc “siết van” đột ngột như hiện nay đang đặt ra nguy cơ doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn, không đủ nguồn lực thực hiện dự án, đưa dự án vào vận hành và nguồn cung nhà ở hiếm càng thêm hiếm.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của Bộ Xây dựng cũng đã cho thấy tính đến hết quý 1/2022 chỉ có 24 dự án hoàn thành, bằng 47% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 54% so với cùng kỳ năm 2021. Không những vậy, số lượng dự án được cấp phép mới cũng giảm mạnh, chỉ có 39 dự án được cấp phép mới, giảm 20% so với quý 4/2021 và chỉ bằng khoảng 41% so với cùng kỳ năm 2021, tạo ra sự khan hiếm trong dài hạn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường nhà đất TP. Hồ Chí Minh cũng chứng kiến mức tăng giá mạnh từ 5 - 10% chỉ trong vòng tháng 4/2022.

Công bằng với doanh nghiệp bất động sản
Theo các chuyên gia, việc “khóa van” dòng vốn từ tín dụng và trái phiếu có thể khiến nguồn cung và giá bất động sản tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đối diện với nhiều áp lực từ hệ lụy tăng giá vật liệu xây dựng, hành lang pháp lý trong thời gian chờ sửa đổi có thể “bóp nghẹt” thị trường.

Giá nhà ở có thể tiếp tục phi mã nếu dòng vốn bị siết van đột ngột

Mức giá bất động sản tăng lên bất thường thúc đẩy chi phí sản xuất các ngành liên có thể gây tổn hại đến nền kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Ở bình diện khác, các chuyên gia cũng cho rằng không thể vì một vài trường hợp cá biệt mà làm khó cả thị trường. Một nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới đây cho thấy, bất động sản giai đoạn 2019 – 2021 đóng góp khoảng 14% GDP. Đây cũng là ngành có khả năng lan tỏa trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và là nhịp cầu nối cho các thị trường khác.

Song, như nhận định của TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, dường như hiện nay ngành bất động sản vẫn đang bị hiểu nhầm chỉ là kênh đầu cơ. Do đó, cần thay đổi cách ứng xử với bất động sản, bởi câu chuyện hiện nay cần bàn không thể chỉ là kiểm soát.

Đồng quan điểm PGS TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, bất động sản là động lực của phát triển, đặc biệt quan trọng cho công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch hiện nay.

Cần có sự phân biệt cụ thể các loại thị trường bất động sản để có hỗ trợ hay kiềm chế tín dụng thích đáng. "Nên nhớ rằng việc "siết chặt tiền tệ" toàn diện quá mức năm 2011 – 2012 đã không mang lại ổn định cho nền kinh tế. Ngược lại, nó khiến nền kinh tế "nghẹt thở", rơi vào bất ổn và suy giảm tăng trưởng kéo dài" - ông Thiên bày tỏ quan điểm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với các dự án khả thi, có tài sản thế chấp đảm bảo, có đầu ra, khả năng trả nợ gốc và lãi an toàn thì cần phải hỗ trợ. Không nên cản trở sự phát triển của thị trường này, thay vào đó phải không ngừng hoàn thiện thủ tục pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc về pháp luật, khơi thông dòng vốn, để doanh nghiệp bất động sản tự tin tăng tốc, thị trường có nền tảng tốt để hồi phục.


Theo Diệu Hoa 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan