Xăng giảm giá, hàng hóa… “đứng im”: Góc nhìn từ doanh nghiệp

Mặc dù giá xăng đầu đã giảm lần thứ 5 liên tiếp, nhưng giá nhiều mặt hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương xứng. Các doanh nghiệp nói gì về việc này?

Xăng chỉ là “một chuyện”

Hiện nay, nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ dân sinh trên toàn quốc như rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô vẫn đang ở mức cao. Một số mặt hàng có xu hướng giảm nhưng mức giảm không đáng kể, chưa tương xứng với đà giảm của giá xăng dầu. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi: “Đến thời điểm nào thì giá cả thị trường mới về mức bình ổn, phù hợp với thu nhập của người dân?”

Câu chuyện xăng giảm giá, hàng hóa “đứng im” cần nhìn từ nhiều góc độ khác nhau

Khảo sát tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nguồn cung các mặt hàng rau tươi, thủy sản, rau củ quả rất dồi dào, nhưng giá cả các mặt hàng vẫn ở mức cao. Nhiều mặt hàng tiêu dùng đã thiết lập mặt bằng giá mới. Một số tiểu thương cho biết, từ đầu năm đến nay, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng cao khiến lượng khách sụt giảm.

Tại các hệ thống siêu thị, rất ít nơi giảm giá bán hàng, phần lớn chỉ thực hiện chương trình khuyến mãi. Một số mặt hàng như mỳ gói, sữa, thực phẩm giảm giá từ 10-30%. Các mặt hàng tươi sống giảm với mức giảm nhiều nhất là 33%.

Về phía doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh (Bidrico) – doanh nghiệp sản xuất nước ép đóng chai cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp phải kiềm giá để giữ khách hàng, chỉ tăng giá bán hàng từ 6-8%, chưa tương xứng với mức tăng của nguyên liệu đầu vào, nên thời điểm này cũng chưa giảm giá thêm được. Theo ông Hiến, giá xăng dầu đã giảm nhưng chưa tác động được đến việc giảm giá của các yếu tố sản xuất khác. Doanh nghiệp vẫn sản xuất ra sản phẩm với giá thành cao, mặc dù cước vận chuyển có giảm nhưng chưa đủ để doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất.

Chi phí lao động tăng cũng là một phần lý do khiến doanh nghiệp chưa thể giảm giá bán

Còn theo đại diện Saigon Food, giá xăng là một trong những yếu tố đầu vào của sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Giá xăng đã giảm 5 lần sau 12 lần tăng giá. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nguyên liệu đầu vào khác cho sản xuất, nhất là nguồn nhập khẩu vẫn còn ở mức rất cao, cộng thêm chi phí lao động tăng. Tất cả những yếu tố đó làm cho giá cả hàng hóa tiêu dùng chưa thể đồng loạt giảm ngay mà cần có độ trễ, cần thêm sự điều chỉnh của giá nguyên liệu sản xuất khác.

Mỗi doanh nghiệp một… nỗi khổ

Đại diện công ty vận tải Hà Lan (Thái Nguyên) cho rằng, việc giá xăng dầu gàn đây giảm mạnh 5 lần liên tục như một “làn gió mát” giúp doanh nghiệp vận tải giảm phần nào gánh nặng chi phí. Thời điểm trước đó, nhà xe cũng đã phải gồng mình chịu lỗ trong thời gian dài, duy trì tần suất chuyến đều đặn để tránh mất khách hàng.

"Việc giá xăng dầu giảm là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong những tháng hè, học sinh sinh viên đều nghỉ hết nên doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc cân đối, sắp xếp, duy trì tần suất hoạt động của các chuyến xe" – doanh nghiệp này cho hay.



Phía doanh nghiệp cung ứng nông sản cũng không khỏi lo lắng. Bà Lê Thị Nhâm – Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tiến Ngân (Hòa Bình) cho rằng, dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng một số nhà xe, đối tác chuyên cung cấp hàng hoá, thực phẩm cho doanh nghiệp vẫn giữ giá như cũ và chưa có động tĩnh hạ nhiệt. Do đó, giá các mặt hàng nông sản doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị, trường học vẫn không thể giảm ở mức quá sâu như kỳ vọng.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng chia sẻ, dù giá xăng dầu đã giảm thêm nhưng vẫn khó kéo giá trứng, gia cầm xuống thấp bởi giá thành sản xuất trứng đã tăng cao kỷ lục. Cụ thể, trong cơ cấu giá thành sản phẩm, chi phí logistics đã chiếm dưới 20%, giá xăng dầu là một phần nhỏ của chi phí này. Còn giá thức ăn chăn nuôi, giá lương thực trên thế giới vẫn đang tăng do khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần giữ giá xăng dầu ở mức ổn định


Trước bối cảnh nhiều người “phàn nàn” vì giá xăng đã giảm, giá thực phẩm, hàng hóa vẫn “đứng im” gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp cũng mong muốn giá xăng dầu giảm nhưng có thời gian ổn định, lâu dài thì khi đó mới giảm dần được các yếu tố khác. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp khác lo lắng, không biết giá xăng dầu giảm có ổn định lâu dài hay không nên cũng chưa dám điều chỉnh giảm giá ngay.



Các chuyên gia nêu ý kiến, để giải quyết vấn đề trên, trước hết phải giải quyết vấn đề cung – cầu hàng hóa, nhất là giảm khâu trung gian. Ngoài những biện pháp về hành chính do các cơ quan QLNN phải làm, cần sử dụng đồng bộ cả hệ thống chính trị, đó là các Hội, Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa … để người kinh doanh tự nhận thức giảm một phần giá cả hàng hóa theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với doanh nghiệp, người dân. Đồng tình với độ trễ của việc điều chỉnh giá cả trên thị trường nhưng độ trễ không thể kéo dài hàng tháng mà chỉ có thể một vài tuần sau khi giá xăng giảm.

Theo DDDN

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan