Xây dựng đội tàu vận tải biển Quốc gia: Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm

Hình thành đội tàu container mạnh về lâu dài là công cụ để bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước, thực hiện tốt các hiệp định thương mại đã ký với EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật…

LTS: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo nghiên cứu cơ chế phát triển đội tàu quốc tế, tăng sự chủ động cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.



Để xây dựng và phát triển đội tàu container quốc gia, không thể chỉ tính toán lỗ lãi trong thời gian ngắn mà phải có tầm nhìn lâu dài và phải coi đây là biện pháp quan trọng giúp hạ thấp chi phí logistics quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đây còn là biện pháp bảo đảm thực hiện tốt việc phát triển kinh tế của đất nước, một quốc gia có nhiều tiềm năng về kinh tế biển.

Tình hình thực tế đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng phát triển đội tàu vận chuyển container có trọng tải lớn, đi xa; phải trở thành quốc gia có đội tàu viễn dương xứng tầm khi so sánh với các nước, vùng lãnh thổ nhỏ trong khu vực như Đài Loan, Singapore.

Điều đầu tiên là cần có chính sách để “nhà nước và doanh nghiệp cùng làm”. Đó là vốn của các doanh nghiệp tư nhân kết hợp với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, vốn vay; kêu gọi các tập đoàn tư nhân cùng đầu tư lập nhóm (group) khai thác đội tàu container, hoặc xem xét khả năng liên doanh… Trong ngành dịch vụ logistics, có thể kêu gọi Tổng công ty Hàn hải Việt Nam (VIMC), Gemadept, Tân Cảng Sài Gòn… và cả các doanh nghiệp chủ hàng lớn tham gia. Hiện nay, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển đội tàu bay hiện đại, phát triển cảng biển, sân bay, với số vốn rất lớn…

Đề xuất Nhà nước có một cơ chế đặc biệt và một số chính sách, chủ trương lớn áp dụng cụ thể cho những đối tượng liên quan. Ví dụ như đấu thầu, chỉ định thầu, giảm, miễn thuế, hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu của việc phát triển đội tàu. Có chính sách khuyến khích đào tạo và sử dụng thuyền viên nhằm thu hút thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu trong một thời gian nhất định.

Đặc biệt, cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp chủ hàng lớn, như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… trong việc bảo đảm kết hợp nguồn hàng xuất nhập khẩu với khối lượng lớn cho đội tàu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hàng lưu cước tàu sẽ nhận được những khuyến khích, ưu đãi nhất định. Vai trò của Bộ Công Thương là hết sức quan trọng, bảo đảm nguồn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhất là khi thực hiện đầy đủ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lưu cước tàu. Đây là một trong những điều kiện để dự án thành công.

Nhưng điều kiện tiên quyết là Chính phủ phải phê duyệt đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam một cách thật cụ thể, với cơ chế đặc thù và quyết tâm chỉ đạo thực hiện cho bằng được.


Theo DDDN 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan



Warning: Unknown: write failed: Disk quota exceeded (122) in Unknown on line 0

Warning: Unknown: Failed to write session data (files). Please verify that the current setting of session.save_path is correct (/home/diendan3/tmp) in Unknown on line 0