Doanh nhân Mai Thanh Tùng: Khẳng định "vai trò chủ lực" cho ngành ong mật Đồng Nai

Việt Nam trở thành nước đứng thứ hai ở châu Á về xuất khẩu mật ong, một trong 10 nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới, trong đó sản lượng xuất sang thị trường Mỹ chiếm 95% thị phần, được khách hàng rất ưu chuộng. Hàng năm Việt Nam có tới 45.000 tấn mật ong được xuất khẩu, riêng sản lượng của Đồng Nai đạt 6.000 tấn, chiếm khoảng 8-9% cả nước, đứng thứ hai về thị trường Việt Nam.



Con số này có nghĩa quan trọng để làm tiền đề cho sự phát triển ngành ong mật Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Để có được con số đáng khích lệ đó, có một phần đóng góp không nhỏ của doanh nhân Mai Thanh Tùng – Chủ tịch Hội nuôi ong Đồng Nai.

Từ những năm 60, nghề nuôi ong lấy mật mới bắt đầu phổ cập trên tỉnh Đồng Nai, với quy mô nhỏ, lẻ, chủ yếu là “tự cung, tự cấp”. Tuy nhiên, cho đến nay, sau gần 50 năm phát triển, ngành mật ong Đồng Nai đã trở mình để trở thành một ngành nghề xuất khẩu đặc trưng của tỉnh nhà. Hiện nay Đồng Nai có hơn 800 trại nuôi ong, với tổng đàn vào mùa khai thác lên đến 200.000 đàn. Đưa sản lượng bình quân hàng năm lên đến 6.000 tấn mật ong.

Sự ra đời của Công ty ong mật Đồng Nai năm 1978 đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành nuôi ong tại Đồng Nai. Bởi từ đây, trên địa bàn đã có hẳn một doanh nghiệp chuyên tổ chức sản xuất kinh doanh, đầu tư, cung cấp trang thiết bị vật tư, khoa học kỹ thuật cho người nuôi ong và chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Để phát triển ngành nghề đang kinh doanh, năm 1999 công ty cổ phần hóa với 210 cổ đông, trong đó hơn 100 cổ đông là người nuôi ong, họ là những người nuôi ong chuyên nghiệp từ 250 – 1.000 đàn rãi khắp Việt Nam.

Khi mới chuyển sang cổ phần hóa, thì vấn đề về chất lượng và uy tín chính là tôn chỉ được công ty đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế thế giới chịu nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ và các quốc gia vùng châu Á – Thái Bình Dương; đồng thời việc kinh doanh xuất khẩu của các công ty trong nước gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác trên thế giới, nhưng hoạt động kinh doanh và sản xuất của Công Ty Cổ Phần Ong Mật Đồng Nai vẫn ổn định.

Theo ông Mai Thanh Tùng – PCT. HĐQT Công ty: “Để giữ được thị trường, nguồn sản phẩm chất lượng tốt và đảm bảo được nguồn hàng dồi dào là điều quan trọng nhất. Vì thế công ty sẽ đầu tư khoa học kỹ thuật, con giống, và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. Vì chỉ như thế, nguồn sản phẩm mới đảm bảo và ổn định lâu dài”.

Bên cạnh việc xuất khẩu, trong những năm qua, công ty nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng như: mật ong nguyên chất, mật ong nghệ, sữa ong chúa, phấn hoa… để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trên thị trường nội địa. Hiện nay, lực lượng lao động chủ yếu tại công ty rất gọn nhẹ: Với 45 nhân sự, nhưng đã tạo dựng được mối quan hệ bền vững với hơn 450 trại nuôi ong và tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động ở nông thôn, góp phần mang lại lợi ích lớn về kinh tế - xã hội các địa phương.

Đặc biệt, nhờ xử lý thông tin giá cả thị trường kịp thời và thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp tốt với các chủ trang trại nuôi ong theo hướng sạch, đảm bảo an toàn, chất lượng cao, nên các sản phẩm mật ong xuất khẩu của công ty luôn được thị trường thế giới chấp nhận, trong đó có cả thị trường khó tính, có yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng như thị trường Bắc Mỹ, EU, và Nhật bản.

Nông dân là người nuôi ong chuyên nghiệp

Là một tỉnh miền Đông Nam bộ thuộc vùng khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa, Đồng Nai có 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đặc biệt nhờ thiên nhiên ưu đãi, hàng năm địa bàn tỉnh Đồng Nai không bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa bão và lũ lụt. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở tỉnh từ 24,00C – 27,20C, lượng mưa trung bình từ 1.800mm – 1.860mm/năm. Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên Đồng Nai được đánh giá là vùng phát triển nghề nuôi ong tốt nhất cả nước và sản lượng xuất khẩu không ngừng tăng trong những năm gần đây.



Ở Đồng Nai, việc nuôi ong đã trở thành một nghề sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù, thu hút và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, là nghề có thu nhập cao, góp phần xoá đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn đồng thời việc nuôi ong cũng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng Nai hiện có hơn 500 người nuôi ong chuyên nghiệp, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm/một người nuôi ong với quy mô 250 đàn ong.

Để sản phẩm luôn đảm bảo quy trình khép kín từ nhà nuôi ong – nhà cung cấp – nhà nhập khẩu, chất lượng đảm bảo thì việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người nuôi ong và doanh nghiệp thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là rất cần thiết. Hàng năm, đa số người nuôi ong chưa được vay tín dụng trực tiếp từ ngân hàng, nhưng vẫn được sự đầu tư hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng mỗi năm cho 475 hội viên từ Công ty cổ phần ong mật Đồng Nai. Nhờ cách làm trên, ngành ong của tỉnh phát triển một cách ổn định và bền vững, năm sau cao hơn năm trước.

Doanh nhân Mai Thanh Tùng – PCT. HĐQT Công ty CP Ong Mật Đồng Nai chia sẻ yếu tố tạo nên thành công của ong mật Đồng Nai “Chúng tôi xem những người nuôi ong, nhà nhập khẩu là bạn chứ không phải là khách, mục tiêu mong muốn liên kết từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng đảm bảo chuỗi liên kết tránh tình trạng chất lượng không ổn định và xây dựng thương hiệu mật ong nổi tiếng trên thị trường thế giới”

Bên cạnh đó, để giải quyết tận gốc vấn đề này nhằm đạt uy tín đối với thị trường quốc tế, Công ty đã kết hợp với Hội nuôi ong Đồng Nai xây dựng Câu lạc bộ “Những người nuôi ong sạch” với tiêu chí quản lý cộng đồng nhằm tạo ra sản phẩm “sạch” để đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay. Mặt khác, để ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc nuôi ong, trong những năm qua, Công ty cổ phần ong mật Đồng Nai, kết hợp chặt chẽ với Hội Nuôi ong tỉnh Đồng Nai, Hội nuôi ong Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu ong Trung ương và các cơ sở nuôi ong trong tỉnh đã tiến hành thực hiện các chương trình nghiên cứu, ứng dụng đưa vào sản xuất các giống ong có năng xuất cao, có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, đã cung cấp trên 1.000 đàn ong giống cho các hộ nuôi ong trong tỉnh và các vùng phụ cận hàng năm, góp phần duy trì và phát triển đàn ong giống gốc của tỉnh.

Thương hiệu là tài sản vô hình, khó có thể cân đong đo đếm được nhưng là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của một ngành nghề. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, mối quan hệ giữa Doanh nghiệp, hội và người nuôi ong trở thành mối quan hệ khăng khít, đó chính là tiền đề cho sự phát triển thương hiệu mật ong của Đồng Nai vươn tầm thế giới.


Trần Thanh 

Bình Luận



Tin Nổi Bật

Bài viết liên quan



Warning: Unknown: write failed: Disk quota exceeded (122) in Unknown on line 0

Warning: Unknown: Failed to write session data (files). Please verify that the current setting of session.save_path is correct (/home/diendan3/tmp) in Unknown on line 0