Vụ việc Bộ Công an bắt hơn 10 người là các bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ đã nghỉ hưu của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa một lần nữa khiến dư luận dậy sóng và đặc biệt quan tâm.

 

 

Quan tâm bởi lẽ đây là chuyên án do Bộ Công an xác lập nhằm làm rõ sai phạm trong việc điều trị, lập hồ sơ chứng nhận tâm thần cho bệnh nhân; bởi tầm quan trọng của kết quả giám định pháp y tâm thần đối với "số phận pháp lý" của một người trong một vụ án hình sự.

 

Liên tiếp xảy ra những vụ sai phạm

 

Theo quy định của pháp luật hiện nay, kết quả giám định pháp y tâm thần trong các vụ án hình sự có giá trị làm căn cứ cho cơ quan tố tụng quyết định hành vi tố tụng đối với một bị can, bị cáo hay một phạm nhân đang chấp hành án. Điều này có thể dẫn đến quyết định tạm đình chỉ bị can, bị cáo để chữa bệnh hoặc là quyết định hoãn chấp hành án phạt tù để bắt buộc chữa bệnh (thời gian chữa bệnh sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù).

 

Với tầm quan trọng như vậy, nhưng nhiều năm trở lại đây, những sai phạm trong việc ban hành kết luận giám định pháp y tâm thần vẫn luôn xảy ra hoặc tính chính xác của các kết quả này vẫn là câu hỏi lớn đối với nhiều người.

Điển hình là vụ Nguyễn Xuân Quý (Hà Nội) bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I lại là người cầm đầu, chủ mưu tổ chức tiệc bay lắc ma tuý ngay trong bệnh viện, trong một thời gian dài, biến bệnh viện trở thành ổ nhóm tổ chức sử dụng mua bán ma tuý.

 

Hay như vụ Đào Thị Thu Thảo là chủ mưu trong việc thuê người tiêm HIV vào người khác (tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó, theo kết quả của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Thảo đã được đình chỉ điều tra để đi chữa bệnh bắt buộc. Thế nhưng, Thảo sau đó vẫn đi tham gia các sự kiện, thuyết trình như một người bình thường. Đến nay sau nhiều năm trách nhiệm hình sự của bà này vẫn đang là dấu hỏi lớn.

 

Hay mới đây, cựu Giám đốc trung tâm pháp y và Chánh tòa Lao động tỉnh Quảng Ngãi hầu tòa vì cấu kết làm giả kết luận giám định bệnh tật cho các đối tượng đã bị kết án có đủ điều kiện được TAND xét hoãn chấp hành án phạt tù.

 

Cũng có trường hợp đối tượng qua mặt giám định viên, đánh lừa được các bài kiểm tra và thiết bị kỹ thuật để có được kết quả có lợi cho họ. Sau khi hoà nhập cộng đồng, họ sử dụng kết quả đó để gây phiền hà cho những người xung quanh, sử dụng kết quả cũ như một “kim bài” để không ai phản kháng hoặc ngăn cản hành vi phản cảm có tính quá khích, quấy rối của mình.

 

Vậy thì nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra tại các trung tâm giám định pháp y tâm thần là do đâu? Do năng lực của các giám định viên chưa đủ dẫn đến sai kết quả; do lợi ích vật chất, đạo đức nghề nghiệp mà một bộ phận nhỏ giám định viên đã bị cám dỗ; do công tác quản lý, kiểm tra trong lĩnh vực này còn lỏng lẻo hay do chế tài hình sự còn chưa đủ sức răn đe...?

 

Quy trình giám định, chế tài hình sự ra sao?

 

Hiện nay, các đơn vị thực hiện giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh khi tiếp nhận trưng cầu/yêu cầu của cơ quan tố tụng được thực hiện theo Thông tư số 23/2019 của Bộ Y tế.

 

Theo đó, việc thăm khám, chuẩn đoán và kết luận một người có bị tâm thần làm hạn chế/mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hay không đã được Thông tư quy định rất chi tiết, nghiêm ngặt và chặt chẽ.

 

 

Khi giám định nội trú sau khi tiếp nhận bệnh nhân người đứng đầu tổ chức giám định sẽ phân công giám định viên pháp y tâm thần (bác sĩ tâm thần được bổ nhiệm là giám định viên) trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, theo dõi đối tượng. Việc theo dõi được thực hiện thường xuyên và phải ghi chép đầy đủ mọi diễn biến của đối tượng vào hồ sơ bệnh án.

 

Ngoài việc theo dõi thì đối tượng được khám lâm sàng chi tiết, tỉ mỉ các hoạt động tâm thần, thần kinh và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Trên cơ sở theo dõi, thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng các giám định viên sẽ họp, thảo luận và ký kết luận giám định.

 

Về trách nhiệm hình sự mà những người làm sai, làm giả bệnh án, kết luận giám định thì tuỳ thuộc vào từng hành vi, động cơ, mục đích cụ thể mà người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với những tội danh khác nhau.

 

Ví dụ đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong việc ban hành kết luận giám định, tình trạng bệnh thì có thể đối diện với tội nhận hối lộ hoặc tội giả mạo trong công tác.

 

Tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354 BLHS có khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 2-7 năm; khung hình phạt cao nhất thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (nhận hối lộ trên 1 tỉ đồng).

 

Đối với tội giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359 BLHS, khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tù từ 1-5 năm; khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm (làm giả trên 11 giấy tờ).

 

Ngoài ra, BLHS cũng có riêng một điều quy định về việc xử lý đối với những người làm công tác giám định làm giả hồ sơ tâm thần. Theo đó, Điều 382 BLHS (tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối) quy định người giám định mà kết luận, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng một năm.

 

Trường hợp phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật dẫn đến việc kết oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội thì bị phạt tù từ 3-7 năm tù.

 

Như vậy, có thể thấy hệ thống tội danh và khung hình phạt mà những người thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến kết quả giám định pháp y tâm thần phải đối diện đã bao quát với khung hình phạt từ thấp đến cao, thậm chí phải đối diện đến mức tử hình.

 

Vậy nguyên nhân do đâu?

 

Thật khó để khẳng định đâu là nguyên nhân chính nhưng có một điều mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy đó là đa số các vụ việc làm giả bệnh án, kết luận giám định tâm thần đã triệt phá và đưa ra xét xử đều gắn với yếu tố lợi ích vật chất của các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên trong bệnh viện.

 

Trong những vụ việc này, điểm chung là khi thực thi công vụ, thực hiện công việc mà kết quả do mình tạo ra quyết định đến trách nhiệm pháp lý của một người, giám định viên được đối tượng “đặt vấn đề” hoặc chủ động "đặt vấn đề" với đối tượng để có kết quả như mong muốn.

 

Cho dù là bất kỳ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì việc giả mạo, làm sai lệch kết luận bệnh án tâm thần gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống pháp luật và xã hội.

 

Vì lẽ đó, việc phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh. Giải pháp căn cơ để xoá bỏ tình trạng này là cần chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường các biện pháp kiểm tra quy trình lập các hồ sơ bệnh án tâm thần; tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng của các bác sĩ, giám định viên pháp y tâm thần, không để lợi ích vật chất làm ảnh hưởng đến kết luận giám định.

 

Chỉ có như vậy thì trong tương lai mới không có những vụ “bay lắc trong bệnh viện tâm thần”, không có những vụ bỏ lọt tội phạm vì “1 tờ giấy”.

 

Theo Pháp Luật