Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA 

* Phóng Viên: Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 11 tỷ USD. Với con số này, mục tiêu xuất khẩu vượt 16 tỷ USD mà ngành đề ra đầu năm 2022 có khả thi, thưa ông?

- Ông Nguyễn Quốc Khanh: Ghi nhận thực tế hiện nay, doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn còn thiếu đơn hàng và tình trạng giảm giờ làm vẫn chưa được khắc phục. Tỷ lệ tăng trưởng chỉ hơn 6%, so với mức 2 con số của các năm trước, được xem là thấp. Với tình hình hiện tại, mục tiêu tăng trưởg của ngành vẫn có thể đạt được nhưng nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, DN trong ngành có thể sẽ khó khăn hơn trong năm 2023.

* Với năng lực sản xuất đứng thứ 2 thế giới, theo ông, ngành nội thất có thể làm gì để ngăn đà sụt giảm lần này?

- Công nghiệp nội thất Việt Nam đang rất cần một chiến lược phát triển mới. Một trong những mục tiêu quan trọng là mở rộng thị trường, chủ động xây dựng hình ảnh và khẳng định nội lực, khẳng định khả năng tham gia các phân khúc cao hơn trong chuỗi cung ứng.

* Ngành gỗ nói chung và HAWA nói riêng, đã có giải pháp nào cho mục tiêu đó, thưa ông?

Năm 2022, HAWA phối hợp với các cơ quan ban ngành để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN nâng cao nội lực. Trong đó, chú trọng công tác chuyển đổi số, kiến tạo cộng đồng CIO trong ngành gỗ để DN có thêm nguồn lực ứng dụng công nghệ thông tin…

Năm 2023, sẽ là thời gian HAWA tập trung vào mục tiêu hỗ trợ DN phát triển thị trường, theo định hướng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Ngoài việc giữ vững vị trí ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… ngành gỗ đang có chiến lược phát triển thị trường mới, tìm kiếm các thị trường tiềm năng để tăng hiện diện trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới.

* Thưa ông, cụ thể các hoạt động xúc tiến thương mại cho năm 2023 sẽ là gì?

- UBND TP.HCM trong đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến năm 2025 định vị nội thất là ngành nghề thế mạnh, cần được hỗ trợ để phát triển, nhất là công tác truyền thông, xúc tiến thương mại. Kết hợp với Sở công thương, HAWA cũng đang triển khai tổ chức HawaExpo, một hội chợ quốc tế, bài bản, và khác biệt, diễn ra từ ngày 22 - 25/2/2023.

HawaExpo sẽ là hội chợ nói lên sự đa dạng của ngành chế biến gỗ Việt Nam và là nơi thể hiện thế mạnh của những nhà sản xuất địa phương. Ở đó, không chỉ có không gian trưng bày nội, ngoại thất lẫn các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thế mạnh mà còn là nơi khẳng định quyết tâm bứt phá khỏi mô hình gia công, tham gia các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Chúng tôi chú trọng không gian triển lãm cho các thiết kế mới, ấn tượng của đội ngũ thiết kế trẻ và của các DN trong ngành. Đặc biệt, sẽ có không gian để tôn vinh các sản phẩm thiết kế từ Acacia, cây nguyên liệu bản địa thế mạnh của Việt Nam hiện nay.




* DN trong ngành được hưởng lợi gì từ hoạt động này, ông có thể chia sẻ?


- Chi phí tham dự các hội chợ quốc tế luôn cao, đặc thù hàng hoá cồng kềnh trong công tác mang hàng đi trưng bày khiến DN trong nước khó mạnh dạn với các hội chợ quốc tế. Do vậy, việc tổ chức hội chợ nội thất tiêu chuẩn quốc tế trong nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận với khách hàng toàn cầu. Nội thất Việt mở rộng thị trường quốc tế từ chính những hoạt động trên “sân nhà”.

Là một mắt xích trong chuỗi hoạt động của Hội đồng công nghiệp nội thất Đông Nam Á - AFIC, HawaExpo sẽ là hội chợ mở đầu cho chuỗi sự kiện triển lãm ngành gỗ truyền thống hàng năm trong khu vực. Bởi tiếp nối ngay sau đó sẽ là các hội chợ của Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… Khách mua hàng quốc tế theo lịch trình này, sẽ tiếp cận được toàn diện bức tranh sản xuất nội thất của vùng, từ đó, chọn cho mình đối tác thích hợp.

Với kinh nghiệm tổ chức các chương trình kết nối giao thương, HawaExpo sẽ tạo điều kiện để DN có thể kết nối giao thương trực tiếp tại hội chợ theo nhu cầu đặt trước người mua hàng. Bên lề hội chợ, HAWA vẫn duy trì thế mạnh của mình là tổ chức các chuỗi hội thảo chuyên ngành về thiết kế, xu hướng vật liệu… giúp DN có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược kinh doanh. Cũng cần phải nói thêm, HawaExpo sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho DN ngành nội thất mà còn là môi trường để phát triển các dịch vụ trọng điểm khác của thành phố.

* Cụ thể là các dịch vụ nào, thưa ông?

- Nhu cầu của các buyer không chỉ là tham quan triển lãm mà còn kết nối, thị phạm để biết được năng lực của các nhà máy. Là trung tâm trọng điểm của ngành chế biến gỗ, xung quanh TP.HCM tập hợp 600 nhà máy sản xuất nội thất, nguyên phụ liệu. HawaExpo có sự đồng hành của Sở du lịch, các công ty lữ hành lớn trong việc cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tiện ích, các tour tham quan nhà máy, tham quan showroom, tham quan làng nghề…

Với lượng khách quốc tế lên đến hàng chục ngàn người tham quan hội chợ thì việc tận dụng để phát triển thêm các dịch vụ sẽ góp phần phát triển kinh tế cho thành phố.

* Áp lực với một tổ chức ngành nghề trong việc xây dựng không gian xúc tiến thương mại cho DN trong ngành có vẻ khá lớn, ông có thấy thế không?

- Các hội chợ quốc tế lẫn khu vực như Milano (Ý); MIFF (Malaysia ); IFEX (Indonesia); CIFF Home (Trung Quốc), TIFF (Thái Lan)… đều do các Hiệp hội chủ trì, đứng ra tổ chức. Vai trò của Hiệp hội trong hoạt động xúc tiến thương mại cực kỳ quan trọng. Bởi, không chỉ tạo ra không gian cho các DN trưng bày sản phẩm, hội chợ còn phải thể hiện được tính định hướng cho sự phát triển của ngành, phải có môi trường hỗ trợ DN nhỏ, các starup, phải có các hoạt động nghiên cứu thống kê để sau hội chợ, tư vấn được cho các cơ quan quản lý.

Hy sinh các quyền lợi kinh tế để tạo nền tảng định hướng, hỗ trợ DN trong ngành phát triển là điều mà các tổ chức tư nhân không thể nào làm được. Vì vậy mà, đích thân HAWA phải đứng ra tổ chức hội chợ, thay vì giao cho các đơn vị tư nhân.
* Cảm ơn ông về những trao đổi này!

Theo DNSG