Lãnh đạo TP làm việc với các chuyên gia - Ảnh: CẨM NƯƠNG

 

Sáng 4-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có buổi làm việc với nhóm chuyên gia quy hoạch Nhật - Việt về dự án thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường Thái Văn Lung (quận 1).

Đường Thái Văn Lung được xem là dự án rất phức tạp, "rất khác so với nhiều tuyến đường khác". 

 

Dự án này, theo ông Nên, sẽ giải quyết 6 vấn đề lớn của khu vực trung tâm TP.HCM như giảm kẹt xe, cải thiện giao thông; tạo không gian xanh, thân thiện để người dân thụ hưởng; tăng cường an toàn cho người đi bộ và người tham gia giao thông; thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch; cải thiện chất lượng sống, môi trường…

 

Chỉ 300m nhưng rất phức tạp

 

Tại buổi làm việc với bí thư Thành ủy TP.HCM, kiến trúc sư Shinichi Mochizuki cho rằng dù độ dài tuyến đường Thái Văn Lung chỉ khoảng 300m nhưng tính phức tạp lại khác rất nhiều so với các dự án trước đây Việt Nam đã thực hiện. Ông mong muốn khi dự án hoàn thành sẽ có đầy đủ cách làm, quy trình để dễ dàng áp dụng hơn cho các tuyến tiếp theo.

 

Theo ông Shinichi Mochizuki, việc cải tạo lòng lề đường hay chỉnh trang đô thị là việc rất đơn giản mà TP.HCM có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng dự án này lại kéo theo nhiều nhiệm vụ phụ trợ khác cần được lưu tâm. Như việc giải quyết vấn đề giao thông không đơn giản là cải tạo lòng lề đường, mà phải nghiên cứu sự liên quan đến các tuyến đường xung quanh.

 

Ví dụ muốn chấm dứt việc dừng đỗ xe taxi phải nghiên cứu thêm các dự án liên quan như bãi đỗ xe. Ngoài ra cần đặc biệt quan tâm sự tham gia đóng góp của dân. Cần lấy ý kiến người dân và các ý kiến đó có thể xem xét đưa vào thiết kế.

 

“Dự án này không chỉ dừng lại ở việc sau khi hoàn thiện tuyến đường là xong, mà còn tính đến vấn đề quản lý bảo trì toàn bộ ý tưởng. Có thể thực hiện song song quản lý tuyến đường có sự phối hợp giữa nhà nước và người dân, những người sống tại tuyến đường đó để gìn giữ ý tưởng thiết kế”, kiến trúc sư Shinichi Mochizuki đề xuất.

 

Dự án đường Thái Văn Lung sẽ là mô hình điểm

 

Tiếp thu những ý kiến đóng góp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Thành ủy thống nhất đây là dự án thí điểm nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của TP.HCM, nhằm hướng tới mục tiêu đưa TP.HCM sớm trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình; trở thành không gian xanh, văn hóa của TP.HCM.

Theo ông, TP đã triển khai thực hiện việc này từ lâu nhưng vẫn chưa có kết quả chuẩn mực để mở rộng ra thực hiện đại trà cho toàn TP. Bởi việc thực hiện thời gian qua vẫn chưa căn cơ, toàn diện, chưa bài bản và còn thiếu kinh nghiệm. Do đó TP có chủ trương phối hợp với nhóm chuyên gia thực hiện chủ trương này.

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: CẨM NƯƠNG

 

Từ khi triển khai thực hiện, TP đã nỗ lực quyết tâm làm được rất nhiều việc, nhưng vẫn còn một số việc chưa làm được và sẽ điều chỉnh bổ sung ngay. Bí thư Thành ủy bày tỏ thống nhất với các chuyên gia về ý nghĩa quan trọng của tuyến đường, và đây sẽ làm điểm, làm mô hình để triển khai ra toàn TP.

 

Đến nay về mặt chủ trương tất cả đều nhất quán, nhưng một vấn đề quan trọng hơn hết là ý kiến người dân. Quận 1 đã lấy ý kiến người dân với sự đồng thuận trên 70%, số không đồng thuận tỉ lệ rất thấp, không đáng kể. TP.HCM không chỉ truyền thông để người dân ở tuyến đường này đồng thuận mà rộng hơn là toàn TP đồng thuận. 

 

“TP đang triển khai một cuộc vận động lớn và lâu dài là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Do đó dự án này đóng vai trò là bước thử nghiệm rất quan trọng để chúng ta đánh giá hiệu quả, giá trị và có biện pháp hiệu quả sắp xếp lại không gian đô thị TP.HCM trong thời gian tới”, ông Nên nói.

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Sở Giao thông vận tải và quận 1 tính toán yếu tố khoa học, xã hội và có kỹ thuật để đảm bảo dự án hoàn chỉnh sau khi làm xong có một bộ hồ sơ đầy đủ để các nơi khác tham khảo mô hình. 

 

Về mặt kinh phí, TP.HCM sẵn sàng chi một nguồn kinh phí đảm bảo cho thực hiện dự án. Về thời gian, lãnh đạo Thành ủy mong muốn hoàn thành dự án trong năm 2025, nỗ lực cố gắng không cầu toàn nhưng phải làm sao có sản phẩm, có chất lượng.