Chiều 4-11, tại Quốc hội, giơ biển tranh luận về nguồn nhân lực, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) chia sẻ "ông bà có câu có bột mới gột lên hồ".
Giảm biên chế sẽ giảm được người sách nhiễu
Ông Kim nói Hàn Quốc mới đây có chính sách hỗ trợ tiền khuyến khích nam nữ kết hôn. Vì vậy với Việt Nam, ông đề nghị cần nhanh chóng nghiên cứu chính sách dân số trước thách thức già hóa dân số và có nguồn nhân lực tốt mới giữ được đà tăng trưởng 6-7% cho những năm tới.
Đồng thời chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao sẽ đến trong tương lai gần. Ông Kim dẫn lại thông tin trong báo cáo của Chính phủ nêu tinh giản biên chế, bộ máy hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tuy nhiên ông cho rằng như vậy là chưa được và cần có "cách mạng hóa về biên chế, bộ máy" cả trung ương, địa phương, các ngành.
"Xin phản ánh chính xác 100% là có bộ trưởng nói với tôi rằng "nếu bộ tôi giảm 30-40% biên chế chẳng hề hấn gì". Nếu giảm biên chế tôi thấy có 2 tác dụng là giảm được người sách nhiễu, đồng thời tăng được lương cho cán bộ mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn", ông Kim nhấn mạnh.
Trước đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu tại kỳ họp này của Quốc hội, có lẽ một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc đến các phiên thảo luận, đó là "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế.
Ông nhắc lại việc cùng tổ thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nghe khẳng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới rất đột phá, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới...
"Tôi và chắc là nhiều đại biểu nữa đánh giá rất cao tinh thần này. Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế rất cần nhân lực, mà nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn", ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, bao nhiêu năm qua, chúng ta nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương.
Trong đó báo cáo của Bộ Nội vụ tại kỳ họp nói rằng việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước về cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhưng theo ông, khi phát biểu ở tổ, Tổng Bí thư nói việc này mới làm từ xã, huyện, một số vụ, cục, tổng cục,... trung ương chưa đụng được gì.
"Tổng Bí thư cũng nói ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, vậy thì tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa? Rồi ở nhiệm kỳ này đã có rất nhiều phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.
Nhân tài vẫn như lá mùa thu
Về cải cách tiền lương, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay.
"Nhưng cho dù tăng thì một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng có xuất sắc đến đâu lương mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện, chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác. Thế nên rất dễ hiểu là các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng nhân tài vẫn như lá mùa thu", ông Đồng bày tỏ.
Nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy như thế đã là đánh giá đúng tình hình chưa?", ông Đồng nói thêm.
Ông nhắc lại việc Tổng Bí thư nói chúng ta cần mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn đang phải đối mặt để vượt lên phát triển.
"Kỳ họp này như tôi đã nói, Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Nhưng tôi chưa thấy có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực.
Mà khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn. Từ đó tôi đề nghị nên đột phá từ chính khâu này mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước", ông Đồng nêu thêm.
Cũng nêu ý kiến thảo luận trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề xuất quan tâm đến vấn đề lương hưu, trợ cấp, trợ cấp với người có công trong năm 2025. Bởi sang năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc.
"Rất mong Chính phủ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp. Chúng ta không tăng lương khu vực công cũng được, nhưng phải tăng lương hưu, trợ cấp", ông Ngân nhấn mạnh.