Bộ Quốc phòng vừa có văn bản phúc đáp kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Phúc về một số bất cập tại Luật Nghĩa vụ quân sự. Theo Luật, công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, cao đẳng hệ chính quy được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc lợi dụng để trốn nghĩa vụ quân sự. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu sửa đổi nội dung này tại Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

 

Bộ Quốc phòng cho hay sau 8 năm thực hiện, Luật Nghĩa vụ quân sự góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế còn bất cập, nhất là quản lý công dân trong độ tuổi nhập ngũ đối với sinh viên được gọi nghĩa vụ quân sự và tạm hoãn gọi nhập ngũ.

 

Một tân binh đang thực hiện bài huấn luyện tháo lắp súng tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh

 

Bộ Quốc phòng thừa nhận một số trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp, hoặc học xong không đi nghĩa vụ quân sự, hoặc đến nơi cư trú mới. Nội dung này chưa có quy định và chế tài xử lý đầy đủ, dẫn đến tình trạng lợi dụng trốn nghĩa vụ quân sự, gây khó khăn trong quản lý và bức xúc dư luận.

 

Bộ Quốc phòng cho biết tháng 2/2022, Thủ tướng đã giao Bộ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật và nghị định liên quan đến Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ nghiên cứu lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi và đang tổng kết 8 năm thực hiện Luật.

 

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết tiếp tục nghiên cứu và báo cáo Chính phủ sửa đổi vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện nghiêm minh.

 

Đề xuất đổi thời điểm giao quân

 

Trong phần kiến nghị gửi Bộ Quốc phòng, cử tri tỉnh Ninh Bình cho hay thời điểm giao quân vào tháng 3 có nhiều bất cập. Học sinh tốt nghiệp THPT vào tháng 5 năm trước, đến khi giao quân là tháng 3 năm sau, cách nhau 10 tháng. Trong gần một năm này, thanh niên thường đi học hoặc đi làm xa nhà, việc gọi về thực hiện nghĩa vụ quân sự rất khó khăn.

 

Cử tri kiến nghị xem xét, thay đổi thời điểm giao quân từ tháng 3 sang tháng 9 hàng năm và nâng mức hỗ trợ cho quân nhân tại ngũ, quân nhân xuất ngũ, tạo điều kiện đảm bảo cuộc sống tốt hơn.

 

Bộ Quốc phòng cho biết việc gọi công dân nhập ngũ vào tháng 3 hàng năm là phù hợp, tạo thuận lợi cho công dân và gia đình đón Tến Nguyên đán, vừa bảo đảm được số lượng, chất lượng, vừa phù hợp truyền thống của dân tộc.

 

Quá trình thực hiện Luật ổn định, không có vướng mắc. Thời điểm gọi nhập ngũ vào tháng 2 hoặc 3 đã khắc phục được hạn chế theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981, khi tuyển chọn công dân nhập ngũ đợt 2 vào tháng 9, trùng vào mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học. Việc này tránh gây phiền hà cho công dân và gia đình trong diện gọi nhập ngũ.

 

Về kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho quân nhân tại ngũ và quân nhân xuất ngũ, Bộ Quốc phòng đồng tình mức phụ cấp hàng tháng, trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ so với mặt bằng chung xã hội còn thấp.

 

"Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động đến tư tưởng, tình cảm của hạ sĩ quan, binh sĩ và thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, chưa tạo sức thu hút thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự", Bộ Quốc phòng trả lời.

 

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu, điều chỉnh các mức hỗ trợ và đề xuất khi sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự.