Quyết định thu hồi được Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu ban hành hôm 14/10. Lý do làng nghề dệt chiếu An Phước không còn hoạt động, tất cả dân làng đã bỏ nghề.
Theo quy định, để được công nhận, làng nghề truyền thống phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động, hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; sản xuất, kinh doanh ổn định tối thiểu hai năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
Ông Lê Hai, Chủ tịch xã Duy Phước, cho biết chiếu theo tiêu chí trên, làng dệt chiếu An Phước không đáp ứng. Hơn 5 năm qua, người dân đã dừng sản xuất, cả làng không còn ai dệt chiếu do không thể tiêu thụ sản phẩm. Làng nghề không hoạt động sẽ ảnh hưởng đến việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vì thế chính quyền xã đề nghị tỉnh thu hồi bằng công nhận làng nghề.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Trần Văn Noa cho biết tỉnh có 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Đây là lần đầu tiên tỉnh thu hồi bằng công nhận làng nghề. Hiện một số làng nghề có xu thế mai một, người dân không sản xuất dù đã có chính sách hỗ trợ, khôi phục.
Nằm dọc sông Thu Bồn, làng nghề dệt chiếu An Phước, xã Duy Phước có tuổi đời hơn 500 năm. Tương truyền ông tổ quê Thanh Hóa, theo chân người mở cõi vào đây từ thế kỷ 15. Khi dừng chân ở đất này, ông mang theo cây lác (cói) và phát triển nghề dệt chiếu.
Tại làng An Phước, có những gia đình làm chiếu tới 14 đời. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề truyền thống dệt chiếu An Phước. Chiếu của làng hoa văn sắc sảo, màu sắc hài hòa, cân đối, từng giúp nhiều người ăn nên làm ra. Nhưng ngày nay chiếu cói An Phước không cạnh tranh được với các loại chiếu hiện đại, không thể tiêu thụ, dân làng dần bỏ nghề.