Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Ảnh: GIA HÂN

 

Sáng 29-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Một trong những nội dung quan trọng trong luật mới là phần quy định về phòng cháy đối với nhà ở.

 

Cụ thể luật đã quy định tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy với nhà ở có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn hoặc trong quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và nhà ở trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.

 

Những loại nhà ở này phải bảo đảm lắp đặt, sử dụng thiết bị điện bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy; bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt.

 

Các loại nhà ở không thuộc hai loại trên phải có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn. Bố trí, duy trì lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp hoặc lối đi bảo đảm việc thoát nạn.

 

Đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định.

 

Đối với nhà ở tại khu vực khác khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy. UBND TP trực thuộc trung ương xác định khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy.

 

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn việc kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy khi có yêu cầu.

 

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc Hội Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị thay cụm từ "thành phố trực thuộc trung ương" bằng từ "địa phương" hoặc từ "đô thị" để quy định nhà ở tại các khu vực này phải trang bị thiết bị truyền tin báo cháy.

 

Theo ông Tới, đối với nhà ở tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ, hẻm sâu, không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy và quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy chữa cháy, chủ yếu là ở các thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và do lịch sử quy hoạch, xây dựng trước đây.

 

Để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định đối với các nhà ở tại 5 thành phố trực thuộc trung ương.

 

Đối với nhà ở tại khu vực khác chỉ khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và truyền tin báo cháy.