Thông tin được TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) nêu tại tọa đàm về tạo tín chỉ carbon trong giao thông tại TP HCM, chiều 12/12. HIDS là đơn vị được UBND TP HCM giao chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan để triển khai kế hoạch.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Theo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP HCM, thành phố được thí điểm trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Địa phương hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ này, dùng chi cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, số và tuần hoàn.
TS Trương Minh Huy Vũ cho biết 3 ưu tiên trong kế hoạch tạo tín chỉ carbon giao thông là chuyển đổi xe buýt, xe của lực lượng giao hàng (shipper) sang điện; giảm phát thải nhờ hệ thống đường sắt đô thị (metro) thông qua giảm sử dụng phương tiện cá nhân kết hợp với lắp điện mặt trời trên mái các ga tàu điện.
"Đề án metro còn 7 tuyến sẽ phát triển trong thập niên tới. Việc chuyển đổi giao thông mạnh mẽ từ phương tiện cá nhân sang công cộng và sạch thì thành phố có dư địa rất lớn để bán tín chỉ carbon", ông Vũ nhận định.
Về thuận lợi, TP HCM có lượng phương tiện giao thông lớn - chủ yếu dùng nhiên liệu hóa thạch nên phát thải cao, tiềm năng để chuyển đổi xanh. Tính đến cuối 2023, địa phương có 10 triệu phương tiện giao thông, gồm hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô và trên 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào. Ước tính khoảng 40% trong số 35 triệu tấn carbon phát thải hàng năm của địa phương đến từ giao thông.
Bước đầu giảm phát thải, đội xe buýt 2.600 chiếc đã có lộ trình điện hóa và kinh nghiệm quốc tế về bán tín chỉ. Ví dụ, Energy Absolute (Thái Lan) bán thành công tín chỉ giảm phát thải chuyển giao quốc tế (ITMO) của dự án xe buýt điện tại Bangkok cho Quỹ Bảo vệ Khí hậu và bù đắp carbon KliK (Thụy Sĩ).
Trong khi đó, lực lượng shipper dùng xe máy tại địa phương có khoảng hành chục nghìn người, cũng nhiều triển vọng để xanh hóa khi chuyển sang xe điện và ứng dụng công nghệ tối ưu hóa lộ trình nhằm giảm ùn tắc.
Với metro, dự báo sản lượng vận chuyển năm 2025 trên tuyến Bến Thành - Suối Tiên gần 40.000 lượt mỗi ngày. Chuyên gia Đinh Thùy Chi (Công ty Đường sắt đô thị số 1, HURC1) nêu ví dụ, cứ 2 hành khách sử dụng chung một xe máy thì giảm được gần 20.000 lượt xe chạy xăng.
Đặt giả thiết mỗi xe đi 3km và phát thải 3000 gram/CO2 (theo thống kê từ tổ chức nghiên cứu môi trường và giao thông Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA và Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch - ICCT), thì chuyển sang metro giúp giảm phát 60 tấn CO2 và tiết kiệm 60 tín chỉ carbon mỗi ngày. Con số nhỏ, nhưng khi cả hệ thống metro hoàn chỉnh sẽ đáng kể.
Trước mắt, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM có kế hoạch lắp điện mặt trời mái nhà trên 11 nhà ga nổi, với mục tiêu tiết kiệm 20% điện năng tiêu thụ cho vận hành. Nhà chức trách cũng lắp hệ thống trạm sạc xe điện tại các nhà ga.
Tuy nhiên, các chuyên gia nêu ra hàng loạt thách thức. Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) nói rào cản kỹ thuật là không nhỏ vì Việt Nam chưa có mức tham chiếu hay đường cơ sở (base line) phát thải giao thông.
"Tính ra tín chỉ carbon cần đường cơ sở, tức tính được lượng giảm phát thải mỗi năm khi chuyển đổi xanh. Chúng ta chưa có báo cáo đo đếm phát thải đầy đủ, theo tiêu chuẩn quốc tế cho lĩnh vực giao thông. Đó là điều bắt buộc làm trước khi bàn đến tài chính hay các vấn đề tiếp theo", ông nói.
Trong khi đó, chuyên gia Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM bổ sung rằng điểm nghẽn kỹ thuật khác là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC, tức đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm mục tiêu thích ứng, giảm phát thải nhà kính và giải pháp ứng phó).
Theo quy định, lượng giảm phát thải giao thông phải nộp 100% về NDC khiến "không còn gì để bán". Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu có điều khoản cho phép vẫn quy đổi và bán được tín chỉ phần carbon đã góp vào NDC, nhưng hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể.
PGS. TS Vũ Anh Tuấn, thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 lưu ý chỉ nên xem bán tín chỉ carbon giao thông là vốn mồi để chuyển đổi xanh chứ không thể trông cậy vào việc kiếm tiền lớn.
Căn cứ vào giá tín chỉ bán được của dự án xe buýt điện tại Ấn Độ, ông ước tính tổng cộng 2.600 chiếc xe buýt chuyển sang điện của TP HCM có thể mang về 700.000 USD mỗi năm tiền bán tín chỉ carbon. Con số này bằng 1-2% số tiền ngân sách bỏ ra để trợ giá cho hệ thống xe buýt vận hành.
"Cần xem tín chỉ carbon là yếu tố tạo động lực chứ không phải là đích đến vì chi phí hình thành dự án này cao", ông Tuấn nói, thêm rằng lợi ích chuyển đổi xanh khi tạo tín chỉ carbon là rất lớn, từ việc tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giảm ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe người dân đến nâng cao công bằng xã hội.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 cho rằng TP HCM cần một đề án tổng thể, rộng hơn về chuyển đổi xanh giao thông vận tải theo lộ trình 10 năm, đến 2035, gồm việc tạo tín chỉ carbon. "Phải đầu tư vào dự án này để tạo ra tín chỉ carbon, dùng nó như một quỹ mới trợ cấp thay vì tiền cho doanh nghiệp sản xuất xanh", ông nói.
Theo ông, đề án cần 8 giải pháp, với nhiều đầu việc mà địa phương có thể chủ động như phát triển hệ thống metro, các loại phương tiện không dùng nhiên liệu hoá thạch; tối ưu hoá hệ thống giao thông, xây dựng quản lý thông minh để hạn chế ùn tắc nhằm giảm nhiên liệu tiêu thụ; khuyến khích đi xe đạp, đi bộ.
Ở tầm quốc gia, chuyển đổi xanh giao thông cần có các chính sách hỗ trợ như giảm thuế và trợ giá cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu đãi phát triển hạ tầng trạm sạc điện... Nhà chức trách cũng cần có quy định nghiêm ngặt về tiêu chí và tiêu chuẩn sản xuất phương tiện giao thông, nhằm nâng cao chất lượng, giảm phát thải.