TS. Đặng Kim Sơn

 

Mổ xẻ câu chuyện giá sàn

 

KTSG: Để có lời giải khách quan, thuyết phục cho những tranh luận liên quan tới việc áp giá sàn cho gạo xuất khẩu, có lẽ phải xác định vai trò của giá sàn trong kinh tế thị trường hiện nay. Thưa ông, cơ chế vận hành đó như thế nào, lợi ích và thiệt hại của nó như thế nào?

 

– TS. Đặng Kim Sơn: Trong chính sách giá sàn, có hai loại thường được áp dụng. Thứ nhất, là chính sách giá mua tối thiểu nhằm đảm bảo lợi ích cho người sản xuất. Đối với ngành hàng lúa gạo, nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách này.

 

Việt Nam đề ra mục tiêu giữ cho nông dân có mức lợi nhuận tối thiểu 30%, khi giá xuống thấp thì khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ lãi suất để vay vốn mua lúa của nông dân. Thái Lan trong một số giai đoạn thì xác định mức giá sàn và ngân sách trợ cấp để mua lúa trực tiếp hỗ trợ cho nông dân.

 

Về mặt lý thuyết, chính sách này có vẻ như sẽ phát huy hiệu quả trong việc khuyến khích người nông dân trồng lúa, đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, nếu nhà nước trực tiếp trợ cấp mua lúa để trợ giá thì phải chi ra một khoản tiền rất lớn và nếu áp dụng liên tục, nông dân sẽ ỉ lại, làm khả năng cạnh tranh trên thị trường kém dần. Tóm lại, ngân sách của quốc gia bị hao hụt, an ninh lương thực quốc gia phải dựa vào nhập khẩu trong khi sản xuất trong nước không cải thiện được.

 

Trong trường hợp thứ hai, ở những quốc gia có cộng đồng doanh nghiệp mạnh, được tổ chức thành những hiệp hội phát triển, chính những hiệp hội này xác định mức giá sàn bán ra, đảm bảo doanh nghiệp sản xuất, chế biến hay kinh doanh nhận được doanh thu đủ đáp ứng mức giá thành tái sản xuất và mức lợi nhuận nhất định. Đây là cách thức những doanh nghiệp tự bảo vệ nhau và bảo vệ ngành hàng của mình, ngăn chặn bán phá giá, chống cạnh tranh không lành mạnh ở một số doanh nghiệp muốn tìm cách thôn tính, xác lập vị thế độc quyền trên thị trường.

 

Để làm được như vậy, phải có sự thống nhất trong hiệp hội về “luật chơi chung”, thể hiện qua điều lệ và chương trình hoạt động của hiệp hội. Mức giá sàn phải được thống nhất giữa các hội viên, được xác định trên cơ sở những tính toán khoa học, hợp lý theo từng thời kỳ. Việt Nam hầu như chưa áp dụng chính sách xác định giá sàn kiểu này.

 

KTSG: Vậy theo ông, việc áp dụng giá sàn cho hoạt động xuất khẩu gạo như Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang đề xuất có thực sự mang lại lợi ích cho người nông dân hay không? Trong câu chuyện này, lập luận nếu doanh nghiệp bán giá quá thấp sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung của gạo Việt liệu có đủ thuyết phục?

 

– Từ góc nhìn của người nông dân, điều quan trọng nhất là muốn bán được gạo với giá cao nhất có thể và bán càng nhanh càng tốt để thu hồi vốn tái sản xuất theo thời vụ rất chặt chẽ về thời gian. Như vậy, doanh nghiệp cần chủ động ra quyết định lên, xuống theo tín hiệu của thị trường thì giao dịch giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ thuận lợi hơn.

 

Mặt khác, trong điều kiện cạnh tranh công bằng, minh bạch, các doanh nghiệp có năng lực sẽ thay thế doanh nghiệp làm ăn yếu kém, năng lực cạnh tranh chung của ngành hàng sẽ được nâng cao. Thị trường vận hành linh động, dễ đoán biết, không áp dụng giá trần, giá sàn là thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Tất nhiên, trong trường hợp thị trường vận hành méo mó, các doanh nghiệp cạnh tranh theo hướng giảm giá và giảm chất lượng, chạy theo số lượng như một số mặt hàng của chúng ta thời gian vừa qua thì phải có biện pháp can thiệp, ngăn chặn. Còn nếu doanh nghiệp giảm giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giá trị và uy tín của nông sản, thì dù họ có muốn chơi xấu cũng không thể áp dụng chiến lược cạnh tranh này trong dài hạn vì không thể duy trì được lợi nhuận và sẽ hứng chịu hậu quả trước tiên. Nhìn chung, trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh, cung cầu và chất lượng vẫn là yếu tố quyết định giá cả.

 

Trong trường hợp cần đảm bảo sự công bằng chính đáng cho những doanh nghiệp yếu thế như do phụ nữ, người dân tộc thiểu số… đứng ra thành lập, doanh nghiệp xã hội… khỏi sự thôn tính, độc quyền của các doanh nghiệp vốn có thế mạnh nhờ đặc điểm hình thành, chẳng hạn, doanh nghiệp lớn do xuất phát từ nhà nước hay có liên kết với nước ngoài… thì phải có chính sách để bảo vệ họ.

 

Một ngoại lệ khác là khi xảy ra những biến động đặc biệt như thiên tai, địch họa, dịch bệnh… tạo nguy cơ mất an ninh lương thực thì cần can thiệp bằng chính sách. Nhưng dù gì cũng nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp chứ không dùng các công cụ bóp méo thị trường như chính sách can thiệp giá, quota… Trong điều kiện bình thường, hãy để thị trường tự điều chỉnh.

 

Doanh nghiệp phải bình đẳng trong hiệp hội

 

KTSG: Quả thật, trong những tranh luận về việc áp hay không áp giá sàn xuất khẩu gạo, cũng đã có nghi vấn về động cơ vận động chính sách. Ông bình luận như thế nào về nghi vấn này? Trước kia, khi áp dụng giá sàn, các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò điều tiết và đã xảy ra một số tiêu cực…

 

– Nói chung, bất cứ một chính sách can thiệp thị trường nào nếu mang lợi thế cho nhóm doanh nghiệp này sẽ có thể gây bất lợi cho một nhóm doanh nghiệp khác. Vì thế, rất dễ xảy ra việc vận động chính sách, đút lót, chạy chọt… và chúng ta đã có nhiều bài học trong vấn đề này khi can thiệp vào giá, phân bổ quota xuất nhập khẩu, định ra các tiêu chuẩn được xuất khẩu…

 

Cách tốt nhất là để cho thị trường cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, về lâu dài, phải xây dựng các doanh nghiệp có nội lực tốt, bằng cách tổ chức các hiệp hội thật tốt, là các tổ chức do doanh nghiệp đứng ra thành lập, các hội viên đủ điều kiện đều được tham gia, có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ công bằng, minh bạch.

 

KTSG: Làm thế nào để thành lập được những hiệp hội quy củ, hiệu quả như ông vừa đề cập?

 

– Thứ nhất, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong hiệp hội. Hiệp hội phải thực sự hoạt động theo cơ chế cộng đồng, mỗi hội viên có một lá phiếu và quyền lực của các lá phiếu như nhau, dù đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài.

 

Thứ hai, hiệp hội phải phối hợp, được phân cấp, trao quyền từ các cơ quan chuyên môn thuộc Nhà nước, được tham gia đóng góp vào các hoạt động thiết kế chính sách liên quan, xây dựng các tiêu chuẩn chuyên ngành, đóng góp quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn của ngành, tham gia điều hành thị trường, quản lý tiêu chuẩn, tham gia cung cấp dịch vụ công cho thành viên…

 

Đối với các mặt hàng chiến lược, tại một số quốc gia, ngoài việc hiệp hội được tổ chức một cách đa dạng gồm hiệp hội của doanh nghiệp lớn, hiệp hội của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội của người sản xuất, còn có một tổ chức nữa là hội đồng ngành hàng. Hội đồng ngành hàng có sự tham gia của đại diện tất cả các hiệp hội để bảo vệ quyền lợi của từng tác nhân, từng mắt xích trong chuỗi giá trị bao gồm cả nhóm người không có lợi thế như người nông dân, người sản xuất…

 

Đối với các ngành hàng chiến lược, Việt Nam cũng nên tham khảo mô hình này. Các chính sách quản lý thị trường, quản lý đầu tư, quản lý sản xuất, quản lý xuất nhập khẩu đều phải có ý kiến tham vấn và quyết định của các hiệp hội và hội đồng ngành hàng.

 

Vấn đề tuân thủ của hội viên được thực hiện thông qua các điều lệ, quy định trong hiệp hội. Như tôi vừa nói, mọi thành viên trong hiệp hội có vai trò và quyền kiểm soát như nhau. Hoạt động của hiệp hội phải rất minh bạch, công khai. Ban lãnh đạo phải do hội viên bầu ra chứ không phải quan chức về hưu, người của doanh nghiệp lớn hay người có đóng góp nhiều.

 

Bên cạnh đó, hiệp hội phải có nguồn thu từ hội viên và nguồn thu khác từ chính sách trích lập từ doanh thu của hoạt động xuất khẩu. Dựa trên nguồn lực này, hiệp hội có điều kiện xây dựng và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho hội viên như thông tin thị trường, quản lý chất lượng… Hội viên được hưởng lợi khi tham gia hiệp hội và có trách nhiệm tuân thủ các quy định đã được hiệp hội thống nhất trên cơ sở minh bạch, công khai và dựa trên lá phiếu bình đẳng của tất cả hội viên.

 

KTSG: Có thể hiểu, để người nông dân được hưởng lợi tương xứng trong chuỗi sản xuất lúa gạo, vấn đề không nằm ở việc xác định hay không xác định giá sàn xuất khẩu. Trước mắt, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

 

– Vấn đề cần giải quyết trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp phải cải thiện mối gắn bó chặt chẽ, liên kết với nông dân. Đa phần các doanh nghiệp chưa hình thành được các vùng chuyên canh lớn, trong đó họ thực sự đầu tư cùng hoạt động sản xuất của người nông dân. Ở đây, chưa yêu cầu việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư về kỹ thuật mà chỉ nói đến việc doanh nghiệp thiết kế chính sách ứng vốn cho nông dân, hỗ trợ nông dân vật tư đầu vào, giám sát chất lượng đầu ra… Thực sự, số doanh nghiệp đang làm được những việc nêu trên còn chưa nhiều.

 

Nghĩa là, các chính sách quản lý nên hướng tới hỗ trợ và ưu đãi cho doanh nghiệp đã xây dựng vùng chuyên canh, gắn bó với quá trình tạo ra nông sản, góp phần xây dựng chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm xanh… Cần tạo điều kiện để những doanh nghiệp như vậy cạnh tranh bình đẳng để nâng cao năng lực chung của ngành lúa gạo. Chỉ bằng cách này, người nông dân mới được hưởng lợi ích bền vững, lâu dài.

 

Theo KTSG