Sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án sửa đổi Luật Hóa chất. Chính phủ cho biết qua 16 năm thực hiện, luật hiện hành bộc lộ một số bất cập. Quy định về quản lý hóa chất chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

 

Tại lần sửa đổi này, Chính phủ muốn siết chặt quản lý, tất cả hóa chất khi nhập khẩu phải được khai báo. Số liệu khai báo sẽ được đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hóa chất và cung cấp trực tiếp cho các Bộ quản lý chuyên ngành. Việc mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán.

 

Hệ thống các quy định quản lý hóa chất đã được sắp xếp lại để đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với yêu cầu quản lý và tính chất nguy hiểm của hóa chất; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cung cấp, lưu giữ, cập nhật thông tin phân loại đặc tính nguy hiểm của hóa chất.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nói vừa qua có hai vụ án rất nghiêm trọng mà hung thủ sử dụng xyanua để gây án. Một vụ ở Đồng Nai và vụ còn lại do người Việt tại Thái Lan thực hiện. Đặc điểm của các vụ án là lượng xyanua rất nhỏ nhưng có thể gây ra án mạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.

 

Theo ông, quy định của dự thảo đã tương đối chặt chẽ đối với các giao dịch tại cửa hàng hóa chất. Nhưng trong thực tế, nhiều giao dịch hóa chất chỉ đặt hàng qua điện thoại, qua mạng, giao tại địa điểm bất kỳ. Với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, dự luật đang "để lọt việc quản lý này". Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm biện pháp quản lý các hóa chất đặc biệt nguy hiểm, điển hình như xyanua, các hóa chất khác khi giao dịch không phép.

 

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu, nói khí N2O - Nito oxit, là dạng chất an thần, giảm đau trong y khoa. Chất này được ứng dụng nhiều ngành như công nghiệp pin mặt trời, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, một số lượng lớn hóa chất đang được sử dụng trái phép thành mặt hàng chất kích thích, vui chơi giải trí để tạo ảo giác cho người dùng.

 

"Tôi thấy giải quyết vấn đề này chưa rõ. Hóa chất có tác dụng y tế, nhưng hàm lượng khác lại có thể sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật", bà Hải nói, đề nghị quy định rõ để có biện pháp xử lý tình trạng bóng cười.

 

Theo quy định hiện hành, mua bán chất độc xyanua trên thị trường thì giữa các bên phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán. Phiếu kiểm soát này phải được các bên lưu giữ và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

 

Ngoài ra, tại phiếu kiểm soát bắt buộc phải thể số CMND/CCCD của người đại diện bên mua và bên bán kèm địa chỉ; tên, chữ ký của người mua, người bán; ngày tháng giao hàng; thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng.

 

Bên cạnh quy định về quản lý, dự thảo cũng bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư công nghiệp hóa chất trọng điểm, thiết yếu cho nhiều ngành kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe người dân. Dự luật Hóa chất sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10.