Hiện nay Cục THADS TP.HCM đang tổ chức thi hành các vụ đại án như Huyền Như, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Alibaba và dự kiến sắp tới là vụ án Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm...

 

Trong đó, vụ án Vạn Thịnh Phát có số lượng bị hại lớn trên 36.600 người với rất nhiều tài sản, trong đó trên 1.330 bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh thành khác, hơn 1 tỉ cổ phần, 22 động sản và các tài sản khác. Riêng số tiền ở giai đoạn 1 hơn 700.000 tỉ đồng. Đây được xem là những vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành tư pháp. Vậy Cục THADS TP.HCM đã chuẩn bị công tác tổ chức thi hành án như thế nào để dự trù những tình huống chưa từng có trong lịch sử?

 

Để làm rõ vấn đề trên, Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM.

 

Vượt qua áp lực thi hành hơn 102.000 việc/152.000 tỉ đồng

 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM

Ảnh: QUANG HÒA

 

Thưa ông, tình hình công tác thi hành án ở TP.HCM tổng quát nhất hiện nay như thế nào?

 

Ông Nguyễn Văn Hòa: Cục THADS TP.HCM là đơn vị có khối lượng công việc lớn nhất cả nước, tổng số việc mà ngành THADS TP.HCM phải giải quyết hơn 102.000 việc/152.000 tỉ đồng. Năm 2023, ước tính bình quân một chấp hành viên phải tổ chức thi hành 330 việc và hơn 340 tỉ đồng, cao hơn so với bình quân chung của cả nước khoảng 70 việc và 268 tỉ đồng/chấp hành viên. TP.HCM cũng là đơn vị có số lượng việc và tiền phải giải quyết đứng đầu cả nước.

 

Hiện nay, với số lượng biên chế chưa đủ so với chỉ tiêu được giao, trong khi các cơ quan THADS TP phải tổ chức thi hành nhiều bản án, quyết định của tòa phức tạp. Việc này đòi hỏi phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tác nghiệp nhằm đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật định.

 

Năm 2013 tổng số thụ lý là hơn 81.200 việc/25.180 tỉ đồng, đến năm 2023 là 104.100 việc/143.900 tỉ đồng, tương ứng số việc tăng 1,3 lần và tiền tăng 5,7 lần. Khối lượng công việc liên tục tăng cao trong nhiều năm, nhưng biên chế lại giảm.

 

TP.HCM đang phải tổ chức thi hành nhiều đại án hình sự về tham nhũng, kinh tế và sắp tới là vụ án Vạn Thịnh Phát với số tiền phải thi hành án lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng. Việc này dẫn đến tình trạng quá tải, tạo áp lực lớn cho đội ngũ làm công tác thi hành án.

 

Chấp hành viên làm việc với đương sự trong vụ án Alibaba

ẢNH: CẨM TÚ

 

Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, ông có thể cho biết cơ quan THADS TP.HCM gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

 

Hiện nay, Cục THADS TP.HCM đang gặp khó khăn về tình hình nhân lực chưa tương xứng với khối lượng công việc, số lượng chấp hành viên và lãnh đạo quản lý còn thiếu. Ngoài ra, luật THADS và các văn bản hướng dẫn còn nhiều bất cập, trình tự thủ tục thi hành án nhiều, làm chấp hành viên phải mất rất nhiều thời gian để tác nghiệp.

 

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, vụ án Vạn Thịnh Phát dự kiến khối lượng tài sản phải xử lý là đặc biệt lớn (trên 1.000 bất động sản, trong đó có nhiều dự án, trên 1 tỉ cổ phần, du thuyền, tàu, ô tô…). Với số lượng bị hại khoảng trên 36.600 người, chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện tiếp nhận yêu cầu, ra quyết định thi hành án, tống đạt và thanh toán các khoản tiền thi hành án.

 

Do phát sinh nhiều vụ đại án, nên kinh phí phát sinh chưa được phân bổ kịp thời, dẫn đến việc không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất… phục vụ quá trình tổ chức thi hành án.

 

Ngoài ra, tài sản trong các vụ đại án thường là các tài sản nằm ở nhiều quận, huyện, tỉnh thành, tính chất pháp lý phức tạp, gây khó khăn trong việc xác minh, xử lý. Thủ tục chi tiền vướng các quy định ràng buộc chấp hành viên và bộ phận kế toán phải thực hiện nhiều biểu mẫu, dẫn đến mất nhiều công sức, thời gian.

 

Áp dụng đồng bộ các giải pháp

 

Cục THADS TP.HCM phối hợp với các cơ quan ban ngành trong tổ chức thi hành án vụ án Alibaba

ẢNH: CẨM TÚ

 

Với tư cách là người đứng đầu Cục THADS TP.HCM, ông có những giải pháp gì?

 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nói chung và đảm bảo tiến độ thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Cục THADS TP.HCM đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

 

Cụ thể, chúng tôi tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM và sự phối hợp của các cơ quan ban ngành trên địa bàn TP để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt xây dựng kế hoạch hằng tuần, hằng tháng để kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, chỉ đạo chấp hành viên, công chức, người lao động tăng cường làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ công việc.

 

Cục THADS TP.HCM chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng trong việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS. Trong đó, chúng tôi phối hợp với tòa án để thu thập, chuyển giao dữ liệu thông tin bản án, các file tài liệu liên quan tới mã định danh, địa chỉ, email… để thuận tiện việc tống đạt điện tử, tài khoản, chi trả tiền cho người được thi hành án thông qua phần mềm.

 

Lần đầu tiên, Cục THADS TP chủ động phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an về việc tiếp nhận, chuyển giao vật chứng trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Hai cơ quan đã cùng nhau trực tiếp làm việc nhiều ngày để kiểm tra rà soát giấy tờ, tài liệu, lệnh kê biên, biên bản kê kiên, làm rõ tình trạng pháp lý tài sản từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

 

Với số lượng vật chứng lớn trong vụ án, sau khi thực hiện việc chuyển giao, các vật chứng được liệt kê thành bảng, biểu theo phụ lục đính kèm chuyển giao cho tòa án, góp phần giúp tòa thuận tiện trong nghiên cứu hồ sơ hơn.

 

Đặc biệt chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành các vụ đại án, phối hợp với Viện KSND trong quá trình kiểm sát việc thi hành án, nhằm đảm bảo quá trình tổ chức thi hành đúng quy định pháp luật.

 

Chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận đơn yêu cầu và tổ chức thi hành án để giúp công việc được nhanh hơn, thay vì làm thủ công truyền thống.

 

Ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa hiệu quả công việc

 

Cục THADS TP.HCM nhận được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, UBND TP.HCM trong khâu tổ chức thi hành án

Ảnh: QUANG HÒA

 

Công nghệ thông tin sẽ giúp được gì cho người dân và cơ quan thi hành án so với cách làm truyền thống, thưa ông?

 

Từ vụ án Alibaba, chúng tôi đã xây dựng phần mềm thụ lý, ra quyết định thi hành án và phần mềm thông báo bằng phương tiện điện tử.

 

Nếu như trước đó, chỉ cần một thông báo mà chấp hành viên gửi cho đương sự thì tốn 15.000 đồng tiền thư (báo phát là 21.000 đồng), đối với vụ án có tới hơn 4.500 bị hại thì tương đương 67,5 triệu đồng. Từ khi thông báo bằng phần mềm điện tử qua số điện thoại đương sự cung cấp thì chỉ tốn 300 đồng/tin nhắn, tương đương với 1,3 triệu đồng cho 4.500 bị hại.

 

Nghĩa là, đương sự chỉ cần đến Cục THADS quét mã QR và điền thông tin trên chính chiếc điện thoại thông minh, ngay lập tức cán bộ đã có đầy đủ thông tin của người được thi hành án.

 

Một hồ sơ thi hành án thông thường 1 việc, thì chấp hành viên phải thông báo ít nhất 2 loại văn bản, đó là "quyết định thi hành án" và "giấy triệu tập". Trường hợp có hai đương sự như 1 người phải thi hành án và 1 người được thi hành án, thì ít nhất cũng phải thông báo 4 văn bản.

 

Một chấp hành viên phải giải quyết khoảng 330 việc/năm, số lượng việc đó nhân với 4 văn bản (tính ở mức độ thấp) bằng 1.320 văn bản/năm. Công việc này sẽ tăng lên khi số đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhiều và tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc thi hành án. Đặc biệt là đối với các vụ việc phải tổ chức kê biên, cưỡng chế thi hành án, bán đấu giá tài sản nhiều lần... thì số lượng các văn bản thông báo này lại càng nhiều hơn nữa.

 

Nếu không có phần mềm, chấp hành viên phải thông báo một lượng lớn văn bản làm tốn khá nhiều chi phí từ ngân sách nhà nước, và chiếm rất nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên.

 

Được biết Cục THADS TP.HCM đang xây dựng thêm phần mềm để kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan ban ngành, việc này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

 

Hiện chúng tôi đang tiếp tục triển khai xây dựng phần mềm chi tiền để phục vụ cho hàng chục nghìn bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, tiếp tục xây dựng quy trình chuẩn và phần mềm theo dõi tiến độ xử lý tài sản nhằm phát hiện những điểm nghẽn để kịp thời tháo gỡ.

 

Sau khi xây dựng xong phần mềm sẽ làm việc cùng Kho bạc Nhà nước TP để thống nhất phương án chi, để chi tiền nhanh nhất cho số lượng đương sự khổng lồ trong vụ Vạn Thịnh Phát.

 

Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Sở TN-MT, Cục thuế TP, Sở KH-ĐT, Kho bạc nhà nước TP… để xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm kết nối để khai thác thông tin.

 

Chẳng hạn như sau khi tòa án xét xử xong có bản án thì chấp hành viên có thể truy cập để lấy bản án về mà không cần phải chờ đợi tòa chuyển giao bằng phương pháp truyền thống như con đường văn thư. Khi muốn nắm thông tin về dữ liệu tài sản của người phải thi hành án như tình trạng bất động sản, thay vì phải làm công văn hỏi Sở TN-MT rồi chờ đợi trả lời, thì chấp hành viên chỉ cần truy cập phần mềm là biết hết thông tin.

 

Nếu hoàn thiện phần mềm, cơ quan THADS có thể khai thác các thông tin từ các cơ quan trên nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, thủ tục cho các chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án.