Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị phổ biến, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu (EU) về chương trình dư lượng trong thủy sản nuôi , do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 9/8, tại Cần Thơ.
"Chỉ nằm trên giấy"
Đại diện Phòng An toàn thực phẩm (ATTP), Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, sau thanh tra năm 2023 của EU, Bộ đã ban hành chương trình kiểm soát riêng cho các hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản sang châu Âu . Có 10 vấn đề được EU chỉ ra, Việt Nam đã đáp ứng được 9 vấn đề, còn 1 vấn đề về dư lượng hóa chất, kháng sinh.
Việc kiểm soát dư lượng kháng sinh của EU là vấn đề lớn, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố về kiểm soát ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các tỉnh đã ban hành kế hoạch nhưng "dường như chỉ nằm trên giấy".
Đại diện Bộ NN&PTNT cảnh báo, bên cạnh bị " thẻ vàng " khai thác thủy sản, nếu dư lượng trong thủy sản nuôi có vấn đề, EU hoàn toàn đóng cửa đối với thủy sản Việt Nam tại thị trường châu Âu. Một trong những vấn đề EU chỉ ra cần khắc phục là khoảng cách trình độ kiểm soát giữa cơ quan trung ương với địa phương. Hoạt động kiểm soát các cơ sở nuôi trồng, chế biến thuộc phạm vi quản lý của địa phương đang có vấn đề.
Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng cần chung tay với cơ quan quản lý trong kiểm soát tốt các hộ nuôi, nếu làm tốt trong ngắn hạn vấn đề dư lượng sẽ được cải thiện. Thực tế, đại diện Phòng ATTP chỉ ra, nhiều hộ "thích thì nuôi, không thích thì treo ao", liên kết, ràng buộc giữa DN và hộ nuôi còn lỏng lẻo, chia sẻ trách nhiệm không tốt…
Vị đại diện Phòng ATTP của Bộ NN&PTNT cho biết, sau đoàn kiểm tra của EU, các đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sang thanh tra Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan tham mưu của UBND tỉnh, thành phố về quản lý ATTP đối với sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản cần tăng cường thanh kiểm tra; thành lập đoàn liên ngành phối hợp thanh tra, điều tra, xác minh, thống kê, rà soát các cơ sở chế biến...
Còn mua nguyên liệu trôi nổi
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - cho rằng, việc quản lý chất cấm trong nuôi trồng thuỷ sản rất khó khăn. Muốn mua gì trên mạng cũng có, giao tận nơi. Có những vấn đề chưa xử lý dứt điểm được nay lại có cái mới.
“DN nói dân xài (chất cấm - PV ) làm sao chúng tôi biết”, tuy nhiên, theo ông Tiệp, Luật ATTP đã nêu rõ trách nhiệm của DN phải sử dụng nguyên liệu an toàn để chế biến. DN không kiểm soát được là lỗi của DN, không thể đổ lỗi do người dân. DN mua nguyên liệu của người dân phải có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ để người dân cung ứng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn ATTP.
Cũng theo ông Tiệp, DN khi thu mua nguyên liệu có lấy mẫu xét nghiệm, nhưng chỉ theo xác suất, chắc chắn không thể kiểm soát được hết về ATTP. Muốn kiểm soát được ATTP, phải kiểm soát cả quá trình, DN phải để mắt vào người dân nuôi nguyên liệu cho mình.
“Bản thân người nuôi với người chế biến không thật với nhau, còn tình trạng mua trôi nổi. Trong liên kết hiện nay có 3 hình thức, thứ nhất, đến kỳ thu hoạch, test đạt sẽ mua, không đạt thôi, test chỉ đại diện cho dưới 0,5 phần nghìn, như vậy không đủ, DN test chỉ tốn tiền, không giải quyết được gì”, ông Tiệp nói.
Theo đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, EU sang đánh giá chỉ một số vấn đề, chất lượng thuỷ sản nuôi trồng còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, đặc biệt từ nội tại của ngành. Nếu người dân, cộng đồng DN, chính quyền địa phương không chung tay giải quyết, vấn đề “muôn đời” về dư lượng không giải quyết được.
Theo Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT, để chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra EU , Cục Thủy sản đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ liên quan những cảnh báo của thị trường nhập khẩu. Kết quả giám sát dự lượng để Cục Thủy sản phối hợp địa phương tổ chức xác minh, xử lý các trường hợp vượt mức dư lượng được thuận lợi hơn.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chủ trì tổ chức đoàn công tác kiểm tra, rà soát điều kiện để làm việc với đoàn thanh tra EU ngay trong tháng 8 này.
Để nâng cao chất lượng, ATTP sản phẩm thủy sản, Cục Thủy sản tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các quy định tại Luật ATTP, các nghị định, thông tư... liên quan. Đồng thời, địa phương phải tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản.
EU là một trong các thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam. Nếu kết quả thanh tra lần này không tích cực, thậm chí tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chế biến, xuất khẩu của nhiều DN và ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản. EU có phương pháp tiếp cận theo hướng kiểm tra, công nhận hệ thống, do vậy, kết quả thanh tra không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị, các cơ sở liên quan mà ảnh hưởng tới toàn ngành thủy sản của Việt Nam.