GS Sử Đình Thành, Giám đốc UEH, cho biết chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế TP HCM là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do UEH và Cục Thống kê TP HCM phối hợp thực hiện. Ấn phẩm cung cấp cái nhìn toàn diện về kinh tế TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2024, phân tích các thách thức, dự báo khả năng phục hồi cũng như đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền thành phố.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định kinh tế thành phố đã phục hồi nhưng chưa thật sự khỏe mạnh, bứt phá như trước COVID-19. Kinh tế TP HCM trước đây khá cao nhưng giờ chững lại và có dấu hiệu giảm sút khi tổng GRDP đóng góp cho cả nước chỉ còn 21%-22%; tổng thu ngân sách chiếm 27%-28%... dù vẫn cao nhưng đã giảm so với trước. Vai trò trung tâm kinh tế của thành phố so với cả nước cũng bị cạnh tranh mạnh mẽ. Do đó, những báo cáo nghiên cứu phản biện để kinh tế TP HCM tăng trưởng, bứt phá hơn nữa là cần thiết.
Theo dự báo của nhóm nghiên cứu, trong nửa cuối năm 2024, xuất khẩu của TP HCM nói riêng và Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dù vậy, rủi ro và bất ổn vẫn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.
"Lúc này, kích cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa nếu được triển khai sẽ giúp tổng cầu hồi phục nhanh hơn và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, qua đó giảm thiểu tính chu kỳ của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế thế giới. Vấn đề này sẽ càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh TP HCM và cả nước phải thích nghi với kinh tế thế giới ngày càng trở nên rủi ro và bất định" - TS Hồ Hoàng Anh, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, UEH - đại diện nhóm nghiên cứu, nói.
Theo các chuyên gia của UEH, nếu kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng trong nửa cuối năm, cộng thêm việc TP HCM quyết liệt triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp, cả năm nay kinh tế TP có thể đạt mức tăng trưởng 7%-7,5%.