Thử tìm kiếm từ khóa "mua hóa đơn giá trị gia tăng" hay "bán hóa đơn giá trị gia tăng" trên internet sẽ thấy xuất hiện các dịch vụ, đơn vị chạy quảng cáo về dịch vụ này với nhiều lời giới thiệu như dịch vụ uy tín, có đầy đủ tất cả ngành nghề, bao quyết toán, thủ tục nhanh chóng…

 

Nhiều quy định của ngành thuế còn gây khó cho doanh nghiệp trong vấn đề hóa đơn GTGT

ẢNH: NHẬT THỊNH

 

Thị trường "đen"

 

Theo quảng cáo và một số thông tin ngoài lề cho thấy để mua được hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) thì mức phí thông thường khoảng từ 2 - 5% tổng số tiền ghi trên hóa đơn.

 

Chị T.H (TP.HCM) kể trước đây công ty khoán cho chi phí du lịch của một nhân viên là 5 triệu đồng/năm. Nhân viên tự làm thủ tục thanh toán, đồng nghĩa phải có hóa đơn GTGT của các dịch vụ ăn, ở, đi lại… thì công ty sẽ chi số tiền này. Thế nhưng sau một thời gian, khi kiểm tra quyết toán thuế, cơ quan thuế chỉ ra là có một số hóa đơn giả, công ty tá hỏa khi phải giải trình lên xuống, đồng thời đã bị loại ra các chi phí này. Sau đó, công ty phải quy định lại và cho nhân viên đi nghỉ hè thông qua công ty du lịch và có đầy đủ chứng từ.

 

"Sẽ có những trường hợp nhân viên buộc phải lấy hóa đơn bên ngoài liên quan công tác phí để được công ty thanh toán. Trên thực tế ở nhiều tỉnh, thành khi nhân viên đi công tác xuống các vùng sâu xa, nhà trọ tư nhân hay đi lại thuê xe của tư nhân cũng không có hóa đơn GTGT… Điều này "buộc" nhiều cá nhân phải đi mua hóa đơn để được công ty thanh toán", chị nói.

 

Nếu như việc mua bán hóa đơn trên mạng hầu như chỉ nhỏ lẻ thì sẽ có những đường dây "ngầm" với quy mô, tổ chức lớn và đã bị lực lượng công an phát hiện. Ngày 9.8 vừa qua, Công an TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) thông tin đã triệt phá chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT với tổng giá trị hơn 11.000 tỉ đồng. Theo cơ quan công an, các đối tượng sử dụng căn cước công dân giả hoặc căn cước công dân của người khác để thành lập doanh nghiệp (DN) "ma" (DN không có hoạt động sản xuất, kinh doanh), rồi tổ chức mua bán hóa đơn lòng vòng để chiếm đoạt tiền của nhà nước.

 

Trước đó, trong đầu tháng 7, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang chủ mưu và 38 đồng phạm đã tổ chức điều hành đường dây mua bán trái phép hơn 35.000 hóa đơn GTGT khống, cho nhiều cá nhân, pháp nhân cư trú hoặc có trụ sở tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tổng giá trị trên hóa đơn sau thuế GTGT hơn 4.400 tỉ đồng. Kết quả điều tra xác định Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang sử dụng 41 DN "ma" để xuất bán hàng chục nghìn hóa đơn GTGT khống. Hay cuối năm 2023, TAND tỉnh Phú Thọ đã xét xử và tuyên án 100 bị cáo trong đường dây mua, bán hóa đơn trị giá gần 64.000 tỉ đồng do bị cáo Nguyễn Minh Tú cầm đầu…

 

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán tại các cửa hàng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Hàng ngàn DN bị vạ lây

 

Những vụ mua bán hóa đơn như trên bị phát hiện khiến nhiều DN nơm nớp lo sợ bị "vạ lây". Chưa kể các trường hợp DN đã bị phá sản, ngừng hoạt động thời gian qua thì các hóa đơn GTGT cũng bị ngành thuế xem xét. Đặc biệt, nhiều hồ sơ của các DN xuất khẩu thời gian qua bị chậm hoàn thuế cũng có một phần lý do vì phải chờ xác minh hóa đơn GTGT.

 

Mới nhất, Công văn 3385 của Tổng cục Thuế ban hành ngày 1.8 gửi các cục thuế tỉnh thành về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp. Trong danh sách đính kèm công văn này, ngành thuế công bố thêm 113 trong 637 DN do Nguyễn Minh Tú (vụ án mua bán trái phép hóa đơn tại Phú Thọ được xét xử cuối năm 2023) mua để bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn trị GTGT cho 88.053 đơn vị, tổ chức và thành lập 6 DN tài chính để hợp thức hóa việc thanh toán qua ngân hàng. Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử, thu thập hóa đơn giấy (nếu có) của 113 DN trên đây để áp dụng các biện quản lý thuế. Trường hợp phát hiện người nộp thuế thuộc cơ quan thuế quản lý có sử dụng hóa đơn của 113 DN trên để kê khai thuế thì xử lý thuế, hóa đơn theo quy định. Các cục thuế tiến hành rà soát, có báo cáo tổng hợp chung kết quả xử lý về thuế, hóa đơn đối với người nộp thuế đã sử dụng hóa đơn của 637 DN trên…

 

Kế toán trưởng một DN trên địa bàn Q.1 (TP.HCM) cho biết vào năm 2022, hệ thống máy lạnh của DN bị hư hỏng nặng phải thuê công ty đến sửa chữa, bảo trì với tổng chi phí 38 triệu đồng. Sau khi quyết toán thuế năm 2022 xong, đến khoảng tháng 8.2023, DN mới biết hóa đơn này nằm trong danh sách 524 DN liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn ở Phú Thọ. Do đó DN phải loại trừ chi phí này ra và điều chỉnh lại quyết toán thuế, đóng thêm thuế thu nhập DN. Sau vụ việc này, mới đây lại nhận thêm danh sách 113 DN mua bán hóa đơn và nghe thêm nhiều vụ bắt liên quan mua bán hóa đơn khác khiến vị này lo ngại không biết DN có bị "dính" như năm trước nữa hay không.

 

Theo ông T.V.B, giám đốc một công ty cao su, thường thì các DN khi mua bán dịch vụ, đều phải kiểm tra, điều tra trên hệ thống cổng thông tin DN xem công ty đó có tồn tại không, lịch sử hoạt động ... rồi mới giao dịch và nhận hóa đơn. Trong trường hợp sau này DN này không hoạt động, bỏ địa điểm kinh doanh (thuế hay gọi là bỏ trốn), thì bị loại chi phí của những hóa đơn do DN này cung cấp.

 

"Bản thân chúng tôi rất khó khăn để quyết toán chi phí mặc dù lỗi không phải của mình. Nếu biết đối tác xuất hóa đơn khống thì không ai dám đụng vào. Vì cơ quan thuế sẽ gạt ra những hóa đơn nghi ngờ để chờ xác minh, đối chiếu lại rồi mới giải quyết cho hoàn thuế hay không. DN hoàn thuế là đầu cuối nên nhiều lúc chịu trận hết với cách làm tắc trách của các bên cung ứng. Đối với những hóa đơn nằm trong danh sách DN bỏ trốn thì bị gạt ra khỏi chi phí, giá vốn hàng bán", ông T.V.B than và kiến nghị cơ quan thuế cần tách ra, hóa đơn giao dịch lúc DN còn hoạt động thì giải quyết cho DN; còn những hóa đơn sau đó thì thuộc diện rủi ro rồi nên DN sẽ phải chịu.

 

Việc xác minh, hậu kiểm thanh tra của cơ quan thuế nó diễn ra quá lâu sau khi có giao dịch, thì tính rủi ro càng cao. DN làm ăn thua lỗ, chủ chết, nợ nần phá sản... rất khó cho DN mua bán hàng hóa dịch vụ.

 

Làm thủ tục tại Chi cục Thuế Q.1 (TP.HCM)

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 

Kiểm tra, khuyến khích sử dụng hóa đơn

 

Trước nạn mua bán hóa đơn GTGT vẫn diễn ra từ trước đến nay, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng không tính đến các trường hợp gian lận, trốn thuế… thì một số quy định về thuế còn quá khó khăn khiến DN phải tìm cách xử lý, hợp thức hóa các chi phí thực tế.

 

Ví dụ, đơn giản nhất là các chi phí tiếp khách như ăn uống. Có nhiều cửa hàng khi khách yêu cầu xuất hóa đơn GTGT thì hẹn sau đó cung cấp một hóa đơn mang tên chỗ khác. Hay như các dịch vụ thuê xe ô tô, thực tế sẽ có những cá nhân tự liên kết thành một nhóm, khi khách hàng có nhu cầu thì sẽ cung cấp hóa đơn GTGT nhưng mang tên khác mà khách hàng không thể kiểm tra được. Các dịch vụ tư nhân hay nhỏ lẻ thì giá dịch vụ thấp hơn, nhiều cá nhân, DN sẽ sử dụng và vẫn phải chấp nhận lấy hóa đơn GTGT họ cung cấp của một bên thứ ba hoặc phải tự mua hóa đơn chỗ khác.

 

Ông Đức nhấn mạnh: Có những quy định cho phép một số chi phí không cần hóa đơn mà chỉ cần liệt kê, theo quy định chi tiêu nội bộ… Thế nhưng, vẫn có một số cơ quan thuế địa phương làm khó dễ, không chấp nhận nên bắt buộc DN phải "thủ" là lấy đủ hóa đơn GTGT. Như vậy có cầu ắt có cung và tình trạng mua bán hóa đơn vẫn tồn tại. Nhưng cá nhân hay DN đôi khi không thể kiểm tra được tất cả hóa đơn mình nhận được là hợp pháp hay không. Với việc thực hiện hóa đơn điện tử như hiện nay, ngành thuế có thể kiểm tra được ngay theo phần mềm để biết thật hay giả cũng là một cách để giảm bớt gian lận trong hóa đơn.

 

Còn theo luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, đã có quy định về các chi phí của DN mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn và được phép lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014 của Bộ Tài chính. Đó là những trường hợp mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra; Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT (100 triệu đồng/năm)... DN mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập bảng kê và được tính vào chi phí được trừ; Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Nạn mua bán hóa đơn GTGT vẫn còn tồn tại là do một phần các DN chưa hiểu rõ hết các quy định hay muốn làm cho nhanh, khỏe; còn một phần là do gian lận, trốn thuế.

 

Luật sư Trần Xoa ví dụ có DN chế biến hạt nhựa cho biết hằng tháng thu gom phế liệu từ các vựa ve chai với số tiền cả chục tỉ đồng. Nhưng các vựa ve chai khi lên cục thuế để đăng ký mua hóa đơn GTGT về cấp cho DN thì không được vì không chứng minh được hàng hóa đầu vào bởi họ mua từ hàng trăm cá nhân đi lượm ve chai. Từ đó DN lại không được khấu trừ chi phí. Trong khi việc sản xuất, chế biến hạt nhựa từ vật liệu phế thải và cung cấp cho các công ty sản xuất bao bì, chai nhựa cho nhiều ngành cần được khuyến khích để bảo vệ môi trường. Chiếu theo quy định, vựa ve chai có thể lập bảng kê khi thu mua từ những cá nhân lượm ve chai. Tuy nhiên đây là việc làm hằng ngày và trong thời gian đầu, DN có thể cử người hỗ trợ, hướng dẫn các chủ vựa. Dần dần sau một thời gian thì các chủ vựa quen sẽ tự làm được.

 

"Bản thân DN cũng phải suy nghĩ tìm ra giải pháp. Giả sử DN cho nhân viên kế toán hướng dẫn vựa ve chai một thời gian và sau đó để các chủ vựa họ làm nhưng mình sẽ trả thêm giá từ 2 - 3% khi có hóa đơn thì họ sẽ làm. Thực tế các vựa phế liệu khi xuất hóa đơn thì họ chỉ đóng mức thuế theo hộ kinh doanh là 1,5% nhưng có dịch vụ chỉ đóng thuế 0,5% thuế thu nhập cá nhân vì không phải đóng 1% thuế GTGT. Số tiền DN trả cao hơn mức đóng thuế thì hộ kinh doanh phế liệu cũng có lời hơn. Hoặc các đơn vị thuế cũng cần tăng cường tuyên truyền, giải thích cho các hộ kinh doanh nắm rõ hơn các quy định để họ có thể thực hiện xuất hóa đơn GTGT đúng quy định. Từ đó sẽ giảm thiểu được tình trạng DN bị thiếu hóa đơn và phải chạy mua khắp nơi lại trúng hóa đơn của DN ảo", luật sư Trần Xoa chia sẻ.