Trong hồ sơ Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết sau chín năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bao phủ khoảng 31,6% lực lượng lao động tính tới cuối năm 2023. Lao động tham gia tăng bình quân 6% mỗi năm giúp nguồn thu của Quỹ tăng lên.
Giai đoạn 2015-2023, số thu tăng bình quân 9% mỗi năm. Năm 2023, tiền thu chạm mốc 23.000 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với 2009 - năm đầu tiên thực hiện chính sách. Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cuối năm 2023 đạt 59.300 tỷ đồng.
Cùng giai đoạn này, bình quân mỗi năm 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp. Riêng năm 2020 trên 1,087 triệu người hưởng do đại dịch Covid tác động. Chi trợ cấp thất nghiệp mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng, năm sau cao hơn trước.
Đến hết tháng 3/2024, hơn 7,4 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và khoảng 1,68 triệu lượt người được giới thiệu việc làm. Song số chọn học nghề rất thấp, chỉ hơn 261.600 người và có xu hướng giảm dần trong mấy năm qua.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá chính sách giúp lao động duy trì cuộc sống khi bị mất việc làm, chủ sử dụng giảm áp lực tài chính không phải chi trả trợ cấp thôi việc, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Song luật hiện hành chưa bao phủ hết quan hệ lao động, trong đó có nhóm hợp đồng 1-3 tháng thuộc diện mất việc làm cao. Quy định cứng về mức đóng, chưa linh hoạt chưa đảm bảo cho chính sách là giá đỡ trước các cú sốc với thị trường lao động như đại dịch, suy thoái kinh tế.
Ban soạn thảo đề xuất mở rộng các nhóm lao động tham gia BHTN; mức đóng BHTN linh hoạt, tối đa 1% thay vì cố định doanh nghiệp và người lao động mỗi bên 1% như hiện hành. Mức hưởng bằng 60% bình quân tiền lương đóng BHTN của 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.
Góp ý cho nội dung này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% thay vì 60% như hiện hành. Với tiền lương bình quân đóng BHTN khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi chi tiêu bình quân tháng của gia đình lao động vào giữa năm 2023 khoảng 11,7 triệu đồng. Mức trợ cấp trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.
Công đoàn đồng thời kiến nghị không quy định hưởng tối đa 12 tháng mà tương ứng thời gian đóng. Bởi mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ lao động nghỉ việc từ khoản đã đóng góp vào Quỹ. Giới hạn thời gian hưởng tối đa 12 tháng dễ khiến lao động làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ để hưởng trợ cấp cho đỡ thiệt thòi, thậm chí rút BHXH một lần, doanh nghiệp mất đi lao động lâu năm.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm - đơn vị chủ trì soạn thảo dự luật, cho hay mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp là đưa lao động sớm quay lại thị trường nhanh nhất, nếu không làm được thì coi như "thất bại". Việc giới hạn thời gian hưởng được tính toán dựa trên khả năng cân đối của Quỹ.
"Nếu không khống chế thời gian hưởng, lao động chỉ hướng tới khoản trợ cấp mà không tích cực tìm việc làm sẽ ảnh hưởng tới khả năng cân đối của Quỹ. Tiền hưởng chỉ có vậy trong khi tính toán mở rộng các chính sách khác như đào tạo nghề sẽ khiến lao động lẫn chủ sử dụng khó khăn", ông Bình lý giải.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần đầu lấy ý kiến vào tháng 3, đang được Bộ Tư pháp thẩm định và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.