Sáng 19-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị) giai đoạn 2018-2023.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị vượt mục tiêu đề ra
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%).
Các đơn vị sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Theo số liệu của Chính phủ, tính đến 31-12-2021, tổng số lượng đơn vị là 48.442 đơn vị, giảm 7.449 đơn vị so với năm 2015 (13,33%).
Ở địa phương, số lượng đơn vị giảm 13,46%, đạt mục tiêu đề ra nhưng có 20 tỉnh, thành có mức giảm dưới 10% như Bình Dương (0,19%); TP.HCM (1,2%)…
Ngược lại, có những tỉnh, thành có mức giảm rất cao như Sơn La (30,81%); Yên Bái (29,06%); Hòa Bình (28,93%)…
Cũng theo báo cáo, hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.
Theo báo cáo, về biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị, năm 2021 có 1.789.585 người, giảm 236.366 người so với năm 2015, tương ứng giảm 11,67% (trong đó bộ ngành giảm 40.221 người, tương ứng 25,19%; địa phương giảm 196.145 người, tương ứng 10,51%), vượt mục tiêu 10%.
Đoàn giám sát nhận định, ở các cơ quan ở Trung ương tuy có tỉ lệ giảm số đơn vị ít hơn so với ở địa phương nhưng lại có tỉ lệ giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước mạnh mẽ hơn.
Giai đoạn 2021 - 2023, đối với bộ ngành, số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11.021 biên chế, tương ứng giảm 9,22% so với năm 2021.
Một số bộ ngành giảm nhiều hơn do đã đẩy mạnh tự chủ đơn vị, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công như Bộ Công Thương giảm 28,81%, Bộ Giao thông vận tải giảm 34,43%, Bộ Ngoại giao giảm 70,07%...
Đối với địa phương, mức giảm trong 2 năm vừa qua đang khá khiêm tốn, thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố còn tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn này.
Mức giảm trung bình số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở địa phương giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt mức 1,42%, cách rất xa mục tiêu tiếp tục giảm 10% được đề ra.
Hơn 89.000 người được giải quyết chính sách tinh giản biên chế
Theo báo cáo, đến ngày 31-12-2023, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo quy định ở các bộ, ngành, địa phương là 89.576 người (bộ, ngành 5.917 người, chiếm 6,6% và địa phương 83.659 người, chiếm 93,4%).
Gồm có 73.245 người nghỉ hưu trước tuổi, chiếm 81,77%; thôi việc ngay có 16.182 người, chiếm 18,06%; thôi việc sau khi đi học nghề 58 người, chiếm 0,06% và chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước 91 người, chiếm 0,1%...
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị cũng còn một số tồn tại, hạn chế.
Như việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023. Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỉ lệ thấp.
Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao...