Sáng 6/9, gần chục nhân viên cây xanh được huy động đốn hạ cây sao đen lớn trên đường Phạm Ngọc Thạch, đoạn trước Đại học Kinh tế TP HCM thuộc địa bàn quận 3. Thân cây có đường kính khoảng 70 cm, phần gốc hơn một mét có dấu hiệu mục rễ được công nhân cưa ngắn, đào bứng khỏi vỉa hè.
"Đây là một trong những cây trồng lâu năm đã trong tình trạng già cỗi, mục gốc, nguy cơ mất an toàn", một nhân viên cây xanh nói.
Trước đó, chiều 5/9 một cây cổ thụ lớn ở góc đường Lê Quý Đôn - Ngô Thời Nhiệm, quận 3, có dấu hiệu suy yếu, thân bị bọng, rễ trồi lên vỉa hè cũng bị chặt hạ đề phòng nguy cơ ngã đổ.
Ngoài đốn những loại cây này, hàng chục cổ thụ cao vài chục mét với các nhánh to 20-30 cm, trồng dọc các tuyến đường đông đúc người ở khu vực nội đô cũng được tăng cường cắt tỉa nhằm an toàn hơn trong mùa mưa.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, 7 tháng đầu năm nay các đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn đã đốn hạ hơn 2.400 cây bị hư hại, mất an toàn. Ngoài ra, hơn 150.000 cây xanh cũng được tỉa nhánh, cắt thấp giảm độ nặng từ tán lá để hạn chế nguy cơ ngã đổ, gãy cành. Gần đây, thành phố bước vào mùa mưa, nhất là bị ảnh hưởng từ bão Yagi có thể gây mưa to, gió mạnh nên việc kiểm tra cây xanh được tập trung hơn để giảm thiểu sự cố.
TP HCM đang có hơn 8.000 cây xanh lâu năm, gồm nhiều chủng loại với kích thước lớn (loại 2, 3). Những cây này đa phần được trồng dọc các tuyến đường khu trung tâm, công viên, trường học, cơ quan, công sở... Đây cũng là nhóm tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ, từng xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng.
Gần nhất, trong trận giông lốc hôm 4/9, có gần 70 cây bị gãy đổ. Trong đó, một nhánh cây dầu trên đường An Dương Vương, quận 5, rơi trúng người phụ nữ khiến nạn nhân tử vong. Ngoài ra, 2 ôtô, 2 xe máy bị hư hại do cây đè.
Trước đó, hôm 9/8, nhánh cây lớn ở công viên Tao Đàn, quận 1, bất ngờ gãy rơi xuống làm hai người chết, ba bị thương. Hồi tháng 4/2023, cây me lớn ở sân trường THPT Trần Văn Ơn, quận 1, cũng bị bật gốc đè 6 người bị thương.