Trong vụ án AIC Bắc Ninh, các bị can đã nộp tiền khắc phục hậu quả và số tiền hưởng lợi tổng cộng hơn 51 tỉ đồng. Trong đó, vợ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã nộp số tiền 14 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng.

 

Theo kết luận điều tra, vì động cơ vụ lợi, ông Chiến thống nhất chủ trương tạo điều kiện cho nhóm công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm Lã Tuấn Hưng phân chia 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị ở 6 bệnh viện tuyến huyện. Ông Chiến hưởng lợi bất chính 14 tỉ đồng, trong đó có 4 tỉ đồng hưởng lợi từ 6 gói thầu và 10 tỉ đồng là quà biếu của bà Nhàn AIC vào các dịp lễ, Tết.

 

Cũng trong vụ án trên, vợ bị can Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã nộp 10,1 tỉ đồng…

 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc có bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

 

Theo Điều 354 BLHS 2015, khung hình phạt thấp nhất của tội nhận hối lộ là từ 2-7 năm. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ có trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì có thể bị áp dụng hình phạt tử hình.

 

Bị can Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh và Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC

 

Về việc tự nguyện nộp lại tiền nhận hối lộ, theo Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

 

Bên cạnh đó, Điều 40 BLHS 2015 cũng nêu rõ, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Khi đó, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

 

“Như vậy, khi người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ tự nguyện nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ được chuyển từ án tử hình xuống tù chung thân” - luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

 

Ngoài ra, theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ được quy định như sau:

 

Trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

 

Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015 đối với người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc trường hợp người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra…