Doanh nhân Mai Tuấn Anh (thứ 2, từ trái sang) tại cuộc thi Dự án/Ý tưởng khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững lần thứ 10, năm 2024

 

Khoai mì “lên đời”

 

Khoai mì là một nông sản bản địa đặc trưng của huyện Củ Chi (TP.HCM). Từ nguồn nguyên liệu này, anh Mai Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Yam Kitchen đã lập một dự án khởi nghiệp xanh về các dòng khoai mì dinh dưỡng với thương hiệu Cusami, tức “củ sắn mì”.

 

Dự án giúp Mai Tuấn Anh đoạt giải Nhất cuộc thi Dự án/Ý tưởng khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững lần thứ 10, năm 2024, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

 

Không chỉ ở các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, Cusami còn chiếm được lòng tin của khách hàng trong và ngoài nước. Nói về lý do chọn chế biến các sản phẩm Cusami từ nguồn nguyên liệu đặc sản khoai mì ở địa phương, Tuấn Anh cho hay: “Việt Nam đã có thương hiệu cà phê rất nổi tiếng, nhưng lại chưa có sản phẩm bánh để ăn kèm. Vì vậy, chúng tôi muốn làm bánh từ củ khoai mì, một loại thực phẩm để ăn kèm, thưởng thức cùng với cà phê dù sáng hay chiều, từ người trẻ đến nhóm khách hàng lớn tuổi đều yêu thích”.

 

Các số liệu nghiên cứu, thống kê chỉ ra rằng, Việt Nam có tốc độ tăng lượng người béo phì thuộc hàng top thế giới. Vì vậy, bánh khoai mì được làm từ 100% khoai mì tươi ngon, giàu tinh bột hấp thu chậm, không chứa gluten, rất phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường và những người có vấn đề về tiêu hóa.

 

Khoai mì là loại nguyên liệu quen thuộc, thường được dùng để làm các món ăn truyền thống, dân dã, như khoai mì luộc, khoai mì hấp nước cốt dừa, bánh tằm khoai mì, bánh ít khoai mì... Nhưng qua bàn tay của Mai Tuấn Anh, loại nông sản này được “cách tân”, trở thành nguyên liệu để làm những món “hướng ngoại” như: mứt dứa Đài Loan chua ngọt, lava trứng muối tan chảy, khoai mì phô mai mozzarella...

 

“Với mục tiêu ‘món ngon từ Củ Chi, sức khỏe từ củ mì’, Cusami nỗ lực đưa ẩm thực truyền thống lên một tầm cao mới, tạo ra những sản phẩm vừa ngon miệng, vừa tốt cho sức khỏe”, Tuấn Anh chia sẻ.

 

Trên thực tế, hành trình đó không hề đơn giản. CEO của Yam Kitchen đã dành 2 - 3 năm nghiên cứu nhiều loại sản phẩm để làm ra pizza khoai mì, bánh bao xá xíu khoai mì…, nhưng thất bại. Trật một nhịp so với dự kiến ban đầu, nhưng không nản chí, Tuấn Anh lại tiếp tục phát triển dòng bánh khoai mì nướng với các loại nhân đặc trưng, mang đến “làn gió mới” cho ngành thực phẩm.

 

Hơn 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ẩm thực, nắm bắt được nhu cầu của thực khách, Tuấn Anh cùng đội ngũ nhân sự nghiên cứu sao cho vỏ bánh mềm mại hơn, nhân bánh đa dạng, thưởng thức theo cách tiện lợi nhất và có khả năng bảo quản trong một khoảng thời gian nhất định… Yam Kitchen đang nỗ lực xây dựng mạng lưới tiếp cận người dùng toàn quốc để sản phẩm được lan tỏa rộng khắp, gắn liền với các bữa ăn dinh dưỡng cho người Việt.

 

Dòng sản phẩm bánh khoai mì nướng thương hiệu Cusami.

 

 

“Chắc chân” trên sân nhà và mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế

 

Thời gian qua, chất lượng nông sản Việt có những cải thiện đáng kể để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Các sản phẩm nông sản được doanh nghiệp sản xuất chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, đa dạng hơn về mẫu mã, kiểu dáng, bao bì.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết sản phẩm chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế lại chủ yếu được doanh nghiệp xuất khẩu đến các nước có thu nhập cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đã đến lúc, nông sản Việt cần chinh phục thị trường trong nước với quy mô dân số trên 100 triệu dân - một thị trường vô cùng tiềm năng. Việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.

 

Tuấn Anh chia sẻ, Yam Kitchen hướng tới người tiêu dùng tại các thành phố lớn cũng như tệp khách hàng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khoẻ, người ăn kiêng, người có vấn đề về tiêu hóa…

 

Nói đến “cách tân”, nhiều người thường nghĩ đến mẫu mã, nhưng Yam Kitchen đặc biệt chú trọng quá trình nâng cao chất lượng, thông qua việc đầu tư quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn HACCP, tăng đầu tư máy móc, thiết bị bán tự động quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, mang đến sự an tâm tuyệt đối cho người dùng.

 

“Xác định hành trình nâng tầm khoai mì Việt cần thời gian, chúng tôi tập trung nguồn lực cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) để nâng cao năng lực và khẳng định chất lượng. Chúng tôi nghiên cứu để làm ra vỏ bánh, nhân bánh sao cho vẫn giữ được hồn cốt truyền thống, nhưng chấm phá nét hiện đại, mang đến sự mới mẻ cho người tiêu dùng”, CEO Tuấn Anh nói.

 

Khoai mì đến từ vùng “đất thép thành đồng” của Yam Kitchen chinh phục được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan Củ Chi, hay người tiêu dùng tại các hội chợ, triển lãm, điểm bán lẻ… Tuấn Anh đang đầu tư để sản phẩm đáp ứng thêm các tiêu chuẩn quốc tế, tận dụng “đòn bẩy” từ thị trường nội địa để chinh phục cộng đồng người Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 

“Người Việt xa quê rất thích dùng các loại bánh truyền thống, nhưng doanh nghiệp hiểu rằng, phải bảo đảm được các tiêu chuẩn quốc tế, thì mới có thể xuất khẩu bền vững. Do đó, chúng tôi đang hoàn thiện quy trình và sắp tới có thể xuất khẩu dòng bánh củ mì nhân thịt cấp đông sang Mỹ”, Mai Tuấn Anh chia sẻ.

 

Nâng giá trị gia tăng cho khoai mì

 

Những doanh nghiệp, doanh nhân dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm làm giàu từ sản phẩm bản địa đã đóng góp quan trọng để nâng giá trị gia tăng cho nền nông nghiệp Việt. Yam Kitchen của Mai Tuấn Anh là một trường hợp như vậy.

 

“Việt Nam có khoảng 500.000 ha canh tác khoai mì, cho ra 10 triệu tấn củ tươi mỗi năm. Với nguồn cung dồi dào này, ngoài bánh khoai mì nướng, chúng tôi đặt mục tiêu phát triển thêm dòng sản phẩm phở, bún và tương lai xa hơn là bột khoai mì”, Tuấn Anh tiết lộ.

 

Nhà sáng lập trẻ cũng đặt ra nhiều kế hoạch cho thời gian tới, trong đó có việc kết nối với bà con nông dân vùng nguyên liệu ở xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) để canh tác khoai mì theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu.

 

Sau thị trường nội địa, mục tiêu tiếp theo của Yam Kitchen là hướng đến xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, Cusami sẽ xây dựng trang trại trồng khoai mì đạt tiêu chuẩn hữu cơ của USDA và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm từ củ khoai mì để người Việt Nam trên khắp thế giới, bạn bè quốc tế có thể thưởng thức các món ngon từ nông sản Việt.

 

“Với tôi, dự định này mang ý nghĩa vô cùng lớn, bởi đây vừa là cơ hội để nâng tầm nông sản Việt, vừa giúp tôi kết nối với bà con nông dân nơi mình chôn nhau cắt rốn”, CEO Yam Kitchen bộc bạch.