Doanh nhân Nguyễn Thị Hoa Lệ - Chủ tịch Công ty Du Lịch Hòa Bình


Nhắc đến bà, người ta nhớ đến một người phụ nữ miệng nói tay làm, không nề hà bất cứ việc gì bởi bà quan niệm là lãnh đạo thì phải làm gương, đó cũng chính là tính cách của nữ doanh nhân toàn tâm, toàn tài này. Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc 2015, Diễn đàn Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp có cuộc phỏng vấn với nữ doanh nhân này.

PV: Trong giai đoạn kinh tế Việt Nam cũng như thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng Hòa Bình vẫn giữ vững sự ổn định và phát triển tốt, vậy đâu là yếu tố để bà đưa đơn vị mình đạt được những thành công trên?

- Hiện nay, tình kinh kinh tế thế giới cũng như Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng Biển Đông, Nga… nên ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc việt là du lịch quốc tế cũng bị giảm sút.
Trước kia, Công ty Hòa Bình làm du lịch và vận chuyển nhưng trước tình hình thị trường hiện nay chúng tôi mở rộng sang dịch vụ lưu trú, đầu tư vào những điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Rạch Giá, các tour du lịch khép kín TP. HCM - Campuchia. Bên cạnh đó, chúng tôi cung cấp thêm dịch vụ hội nghị tiệc cưới cũng góp phần tạo dựng doanh thu khi ngành du lịch biến động.

Trong cạnh tranh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi Công ty Du lịch Hòa Bình cổ phần hóa từ một doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần và khi thương hiệu Hòa Bình phát triển thì cũng có nhiều công ty nhái thương hiệu Hòa Bình… tạo sự lầm tưởng cho khách hàng.

PV: Là một người có thâm niên và nhiều cống hiến cho nền du lịch Việt Nam, theo bà hiện nay, ngành du lịch của Việt Nam so với thế giới như thế nào?

- Du lịch Việt Nam so với thế giới về mặt an ninh, an toàn cho khách vẫn còn yếu, ví dụ hiện tượng khách bị chèo kéo rất phổ biến. Giá cả tại các điểm du lịch như Hội An, Huế, Quảng Ninh… cao so với mặt bằng chung, dịch vụ không ổn định cũng là nguyên nhân khiến du lịch trong nước khó cạnh tranh với các nước khu vực như: Singapore, Campuchia, Thái Lan… vì giá tour của họ rất ổn định. Nguồn nhân lực du lịch nước ta chưa ổn định, hướng dẫn viên thương mại hóa du lịch khá nhiều nên ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Việt Nam. Nhưng bù lại chúng ta có cơ sở vật chất, khách sạn và cung cách phục vụ lại hơn rất nhiều nước. Các tuyến điểm du lịch hiện nay cũng được nhà nước chăm chút đầu tư. Nên tôi thấy để khai thác tốt tiềm năng du lịch, nhà nước và chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa.

PV: Nhìn lại một chặng đường dài bà xây dựng Hòa Bình với tất cả tâm huyết và trí tuệ lao động không biết mệt mỏi, vậy công việc tại Hòa Bình đã đem lại cho bà những gì?

- Cái vui của tôi là xây dựng được một tập thể Hòa Bình đoàn kết, bền vững, luôn nỗ lực vì mục tiêu chung. Đội ngũ nhân viên Hòa Bình dù còn làm hay không thì họ vẫn là những người có chuyên môn, có kinh nghiệm trong ngành du lịch tốt nhất. Dịch vụ lưu trú của Hòa Bình cũng rất thành công, điển hình như Hòa Bình Phú Quốc, Hòa Bình Rạch Giá, dịch vụ 4 sao trở lên, nên tôi cũng cảm thấy rất hài lòng… Nhưng điều khiến tôi trăn trở là vấn đề nhái thương hiệu, khi một vài nhân viên có tư chất đạo đức lệch lạc ra thành lập công ty riêng mang thương hiệu Hòa Bình làm ảnh hưởng không nhỏ đến Công ty CP Du Lịch Hòa Bình Việt Nam. Do Nghị định 43 của Chính phủ quy định tên doanh nghiệp trùng nhau trong một loại hình doanh nghiệp thì cũng được đăng ký như vậy gây dễ nhầm lẫn thương hiệu tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn không chân chính. Hòa Bình Việt Nam là một trong những doanh nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nhái thương hiệu này.

PV: Vậy Công ty du lịch Hòa Bình đã làm gì để tạo dấu ấn riêng thưa bà?

- Từ ngày thành lập doanh nghiệp lãnh đạo Hòa Bình luôn đặt chữ Tín lên hàng đầu. Sở dĩ chúng tôi vượt qua rất nhiều khó khăn là vì đã khẳng định được thương hiệu của mình bằng sự uy tín, tận tâm đối với khách hàng.

PV: Với tôn chỉ trí thức là nền tảng của Hòa Bình, bà đã cụ thể vấn đề này như thế nào?


- Làm ngành dịch vụ không khói nên chuyện chất lượng sản phẩm luôn được chúng tôi ưu tiên. Tại Hòa Bình, từ một người lãnh đạo đến một người nhân viên, một anh tài xế cũng đòi hỏi phải có kiến thức nhất định. Nhân viên Hòa Bình được đào tạo bài bản, nghiệp vụ chuyên môn vững theo tinh thần mỗi hướng dẫn viên là một “nhà bác học” để góp phần tạo hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp cho ngành du lịch Việt Nam.



PV: Bà nghĩ gì về vai trò của một doanh nhân trong sự phát triển của xã hội ngày nay, cụ thể là tại Việt Nam?

- Hiện nay, nhà nước rất đề cao vai trò của doanh nhân, bởi đây là lực lượng không những làm giàu cho bản thân, cho đất nước mà còn đóng góp tích cực cho xã hội. Đặc biệt, Hòa Bình là doanh nghiệp trực thuộc Liên hiệp hội phụ nữ, một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa nhưng vẫn gắn liền một phần vốn nhà nước nên khi được nhà nước quan tâm thì bản thân doanh nghiệp cũng thể hiện vai trò của mình với cộng đồng xã hội. Theo tôn chỉ của Cố Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Nguyễn Thị Định chúng tôi luôn nỗ lực góp phần làm giàu cho đất nước, xã hội và đóng góp vào sự phát triển của phong trào hội bền vững.

PV: Là một nữ doanh nhân bản lĩnh, thành đạt, bà có lời nhắn nhủ gì cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay để trở thành người có ích cho xã hội?

- Trách nhiệm, tâm huyết, làm gì cũng hết lòng thì chắc chắn các bạn sẽ thành công và để giữ vững thành công ấy thì các bạn phải có cái tâm và uy tín.

PV: Nhân dịp chào mừng năm mới xuân Ất Mùi 2015, bà có lời nhắn nhủ gì gửi đến quý lãnh đạo, doanh nhân, đối tác khách hàng và độc giả?

- Một mùa xuân nữa đang về, tôi thay mặt Ban Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình gửi lời tri ân đến toàn thể đối tác, khách hàng và toàn thể quý doanh nhân một mùa xuân mới an vui – thành đạt và hạnh phúc.

- Xin cảm ơn bà.

 

Trần Thanh